Tập đoàn thép Tata (Ấn Độ) quyết định rút lui khỏi dự án có vốn đăng ký 5 tỉ đô la Mỹ tại Hà Tĩnh. Không đơn giản chỉ là do tập đoàn và địa phương này không thể thống nhất nổi với nhau về việc ai sẽ ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Đằng sau sự rút lui của Tata sau bảy năm theo đuổi, còn nhiều lý do khác nữa.
Nhiều thứ không thuận
Đến thời điểm này, tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ chỉ còn lại dự án Khu liên hợp gang thép Formosa đang được triển khai xây dựng và dự kiến bắt đầu vận hành giai đoạn 1 vào năm 2015 với tổng công suất khoảng 22,5 triệu tấn thép/năm. Sự rút lui của tập đoàn Tata, dù chưa được công bố chính thức nhưng từ gần một năm qua đã có những dấu hiệu chấm hết cuộc chạy đua kéo dài gần bảy năm giữa hai nhà đầu tư FDI tại đây.
Giới thạo tin phân tích, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi của Tata.
Thứ nhất, Tata đến trước bằng việc ký biên bản ghi nhớ và hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 7-2007 về việc đầu tư xây dựng dự án sản xuất thép đặt ở Kỳ Anh (Vũng Áng, Hà Tĩnh) cùng hai đối tác trong liên doanh là Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Lúc đầu, Tata được đánh giá rất cao bởi đây là tập đoàn lớn trên thế giới mạnh cả về khai mỏ và luyện kim. Trong lúc nhà đầu tư đang lập báo cáo khả thi thì nhà đầu tư lớn khác là Formosa (Đài Loan) xuất hiện sau đó nửa năm và cũng đề xuất lập dự án xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại địa điểm này với tổng mức đầu tư ban đầu gần 9 tỉ đô la. Đành rằng không phải nhà đầu tư nào đến trước thì tất yếu được chọn, song vấn đề ở chỗ phần đất mà Hà Tĩnh giao cho Formosa chồng lấn lên rất nhiều phần diện tích đất 725 héc ta mà tỉnh đã cấp cho Tata.
Sau hơn một năm đàm phán, Tata lại được giao một mảnh đất nhỏ hơn diện tích được giao ban đầu. Nhưng trong lúc đang chuẩn bị nộp lại dự án đầu tư thì Tata nhận được đề nghị nhận một diện tích đất khác và phần đất này thậm chí không liền nhau. Nhà đầu tư này cho rằng Hà Tĩnh không thực hiện các cam kết với họ như đã hứa, làm ảnh hưởng lớn đến việc lập dự án đầu tư, phải làm đi làm lại luận chứng.
Thứ hai, cùng là nhà đầu tư FDI nhưng Formosa được tỉnh Hà Tĩnh ứng hơn 2.000 tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ dự án và di dân một cách nhanh chóng để Formosa có thể bắt tay khởi công. Trong khi đó, đề nghị tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng tương tự của Tata bị từ chối với lý do tỉnh... hết tiền. Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh này yêu cầu Tata phải ứng khoản tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, khoảng 2.000 tỉ đồng và xây dựng mạng lưới cấp nước cho dự án khoảng 40 triệu đô la, sau đó sẽ hoàn trả qua tiền thuế và miễn giảm tiền thuê đất. Tata dẫn Luật Đầu tư cho rằng nhà đầu tư không phải trả chi phí giải phóng mặt bằng và cấp nước. Họ muốn được đối xử như tỉnh đã đối xử với Formosa song không được.
Thứ ba, các chuyên gia trong ngành thép cho rằng, dù Tata có kinh nghiệm khai mỏ và luyện kim nhưng dự án của họ lập ra trên cơ sở trông chờ sử dụng nguồn nguyên liệu của mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) là chưa khả thi. Trong khi đó, Formosa lập dự án trên cơ sở nhập nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất.
Thực tế mỏ sắt Thạch Khê suốt bảy năm qua hầu như cũng bị “sa lầy” bởi khó khăn về điều kiện khai thác và vốn. Công ty cổ phần Khoáng sản Thạch Khê (TIC) sau nhiều năm giậm chân tại chỗ vì sức ỳ của các đối tác góp vốn, mới được tái cơ cấu thì cũng đang nợ đến 265 tỉ đồng trong khi cần huy động vốn để giải quyết công nợ, triển khai công việc đang bế tắc.
Dự án mỏ lớn nhất Việt Nam này có tổng trữ lượng quặng dự báo 370-400 triệu tấn nay đang được giao cho tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản - vốn không mạnh trong lĩnh vực khai thác quặng sắt - chủ trì, nhưng thực tế công việc chưa triển khai được bao nhiêu. Và do đó, nguồn quặng mà Tata nhắm đến nếu tiếp tục đầu tư vào đây cũng tắc. Trong khi đó, họ không phải là đối tác của TIC để kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Bởi cổ đông nước ngoài của TIC, tập đoàn Kobelco (Nhật Bản), dự tính sẽ đầu tư vào dự án sản xuất sắt xốp tại khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An) và cũng trông chờ vào nguồn quặng từ mỏ Thạch Khê như Tata.
Cân bằng các dự án lớn
Sự ra đi của Tata dù sao cũng để lại những điều cần suy ngẫm về môi trường đầu tư tại một địa bàn như Hà Tĩnh. Đây là nơi rất khó thu hút doanh nghiệp FDI nên ban đầu đã vội vã chạy theo số lượng dự án thay vì tiến hành đàm phán thật công bằng và minh bạch với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn trong cùng một lĩnh vực.
Mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng, nếu Tata tính đến hiệu quả dự án khó khả thi và tự nguyện ra đi thì chính quyền địa phương và các bộ quản lý cũng nên có quyết định rút giấy phép, dù các quyết định này có thể gây ảnh hưởng đến vùng dự án đã giải phóng mặt bằng.
Nguồn tin: KTSG