Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đằng sau mức lợi nhuận cao của ngân hàng

Các ngân hàng (NH) vẫn đạt lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm 2011 trong khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn...

NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đã công bố lợi nhuận ước đạt trong quý II của NH này là 301 tỉ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Sacombank gần 1.500 tỉ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch cả năm.

NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 3.000 tỉ đồng lợi nhuận, so với kế hoạch cả năm là 5.650 tỉ đồng.

NH TMCP An Bình (ABBANK) cũng có con số lợi nhuận 6 tháng là 307,6 tỉ đồng, xấp xỉ kế hoạch đề ra.

Một số NH lớn khác như: Eximbank, Techcombank, ACB dù chưa công bố thông tin chính thức nhưng được biết lợi nhuận cũng ở mức khá cao...

Một lãnh đạo Bộ Tài chính nhận xét NH lãi cao là do đẻ ra các khoản phí để thu của khách hàng và cho rằng: “Lãi suất cũng là một loại giá cả, tiền tệ là hàng hóa đặc biệt, loạn phí như vậy không khác gì chúng ta đang thả nổi giá NH”...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn yêu cầu các NH thực hiện nghiêm việc huy động vốn với lãi suất không quá 14%/năm và phải báo cáo tình hình thực hiện lãi suất cho NHNN nhưng thực tế thì hầu hết NH đều… vượt xa mức quy định.

Từ đầu tháng 7 đến nay các NH đồng loạt công khai áp dụng mức lãi từ 17%/năm cho số tiền gởi 100 - 300 triệu đồng; 17,5% cho số tiền gởi từ 300- 500 triệu đồng; 18% - 18,5% cho số tiền gởi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng và lãi suất 19% cho số tiền gởi trên 1 tỷ đồng… và đấy mới chỉ là phần nổi…

Thậm chí một số NH huy động vốn với lãi suất trên 20%/năm khiến dư luận lo ngại rằng có lẽ NH sắp mất tính thanh khoản.

Biểu lãi suất công khai ghi rõ, lãi suất huy động 14%/năm nhưng khách hàng vẫn có thể mặc cả để nhận mức lãi suất 17% hay hơn tùy khả năng thương lượng và mức tiền gửi.

Tuy thỏa thuận thế, nhưng trong sổ tiết kiệm chỉ ghi 14%/năm và số tiền chênh lệch lãi suất còn lại, cuối tháng NH sẽ chuyển vào tài khoản cá nhân của khách. Và cuối tháng, tài khoản của khách được cộng thêm số tiền lãi suất chênh lệch.

Có cách trả lãi rất lạ. Trong sổ tiết kiệm cũng ghi lãi 14%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại được quy ra thành tiền và khách phải ký với NH bản “chênh lệch tỷ giá chuyển đổi vàng” để hợp thức hóa chứng từ thanh toán, trong khi khách giao dịch bằng tiền, không liên quan gì đến vàng. Những giấy tờ chênh chệnh tỷ giá chuyển đổi vàng này đều do NH giữ hết, không giao cho khách bản nào, vì vậy không có bằng chứng cho việc vượt trần lãi suất, trong khi phần chênh lệch lãi suất vượt trần NH vẫn chi trả đủ.

Một số doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ NH dám huy động lãi suất cao là do họ đã “móc” được doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với lãi suất cao hơn thế. Chỉ cần tìm được đầu ra cao hơn thì NH sẵn sàng huy động đầu vào cao tương ứng, NH đứng giữa kiểu gì cũng hưởng lãi suất chênh lệch…

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận xét: "Kiểu gì thì NH cũng có lãi". Việc thắt chặt tín dụng trên thực tế chỉ gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là DN bất động sản, chứng khoán..., còn các NH cũng bị ảnh hưởng nhưng không quá nghiêm trọng. Việc “áp” tăng trưởng tín dụng của các NH về mức 20% trong năm nay dù gây nhiều khó khăn cho các NH nhỏ, thanh khoản kém nhưng lại tạo ra lợi thế cho các NH quy mô lớn. Hiện tượng lãi suất đầu vào tăng cao, nhiều NH phải “xé rào” huy động lãi suất vượt trần quy định cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của các NH bởi “nước lên, thuyền lên”, lãi suất đầu vào tăng cao thì lãi suất cho vay cũng sẽ càng cao...

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, chính những lúc khủng hoảng, có ngành gặp khó khăn nhưng cũng có ngành lại chớp được cơ hội. Vì vậy, khó trách các NH có lợi nhuận cao.

Vấn đề phụ thuộc vào chính sách chứ không thể hô hào vì đạo lý mà NH phải giảm lợi nhuận. Cái chính là các nhà thiết kế chính sách từ thuế, lãi suất đến cải cách chính sách NH... cần đưa ra các quyết định phù hợp hơn để tháo gỡ khó khăn cho DN và các NH thương mại cũng làm tròn trách nhiệm là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Nguồn tin: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM