Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đằng sau những dự án thép khổng lồ đang đầu tư vào VN: Cần thận trọng

- Từ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều dự án đầu tư lớn từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài đã được triển khai, làm cho nhu cầu tiêu thụ thép ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Kéo theo đó là sự nở rộ các tập đoàn thép lớn của nước ngoài đến Việt Nam đầu tư.

Đó là việc Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã đầu tư Nhà máy sản xuất thép cuộn cán nguội 1,2 triệu tấn/năm, với số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Bắt đầu từ năm 2009, nhà máy này sẽ đi vào sản xuất. Bên cạnh đó là Tập đoàn Essar (Ấn Độ), liên doanh với Tổng công ty thép Việt Nam xây dựng Nhà máy sản xuất thép tấm, thép cuộn cán nóng ở Vũng Tàu, công suất 2 triệu tấn/năm. Tập đoàn Formosa  - Sunco (Đài Loan) cũng “nhanh chân” xây dựng Nhà máy liên hợp ở Vũng  Áng (Hà Tĩnh) với công suất dự kiến 15 triệu tấn/năm. Giai đoạn I của nhà máy này đã được khởi công vào ngày 6/7/2008 với công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng đầu tư giai đoạn I là 7,8 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó cũng phải kể đến Nhà máy liên hợp thép Tycoon – E United ở Dung Quất, Quảng Ngãi, công suất 5 triệu tấn/năm. Vào tháng 10/2007, chủ đầu tư đã làm lễ động thổ nhà máy với tổng đầu tư trên 3 tỷ USD. Nhà máy này do hai công ty Đài Loan góp vốn 100% vốn đầu tư. Tiếp theo đó là Nhà máy liên hợp thép Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) do Tập đoàn Lion Group (Malaysia) liên doanh với Tập đoàn Vinashin (Việt Nam) đầu tư, có tổng công suất là 14,42 triệu tấn/năm. Nhà máy liên hợp này được đầu tư chia làm 4 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2008, khánh thành vào năm 2025. Giai đoạn I của nhà máy (2008 – 2010) có công suất 4,5 triệu tấn thép/năm.

 

Ngoài các dự án nêu trên đã triển khai xây dựng, còn có dự án Khu liên hợp thép liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) với Tổng công ty thép Việt Nam xây dựng Nhà máy liên hợp thép ở Hà Tĩnh, công suất 4,5 triệu tấn/năm. Hiện các bên liên doanh đang chờ giấy phép đầu tư.

 

Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, các công ty thép khổng lồ của nước ngoài (Công ty thép Posco của Hàn Quốc, Công ty thép JFE của Nhật Bản) cũng đang tiến hành làm luận chứng xây dựng Khu liên hợp thép. Có thể thấy, việc các “đại gia” của ngành thép thế giới đã và đang “nhảy” vào thị trường Việt Nam với những dự án khổng lồ, mở ra triển vọng phát triển to lớn, tạo bước nhảy vọt trong ngành công nghiệp thép Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo đảm cho ngành thép phát triển bền vững, đằng sau các hoạt động đầu tư trên cần có nhiều điểm phải lưu ý.

 

Thứ nhất, nếu như các dự án Nhà máy thép liên hợp lớn được thực hiện suôn sẻ, sau 5 – 7 năm tới, ngành công nghiệp thép Việt Nam có bước tiến vượt bậc với tổng công suất vài chục triệu tấn/năm. Mặc dù vậy, điều này cũng cần phải được cân nhắc vì thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nếu có quá nhiều nhà máy thép liên hợp công suất lớn ra đời sẽ dẫn tới cung vượt cầu lớn, tạo sự cạnh tranh khốc liệt và điều thua thiệt sẽ là các công ty thép vừa và nhỏ của Việt Nam.

 

Thứ hai, trong hầu hết các dự án của liên hợp thép lớn đều là dự án đầu tư 100% vốn của nước ngoài. Điều này có thể giúp Việt Nam ít bị rủi ro vì đầu tư thép cần lượng vốn rất lớn, xây dựng lâu và ít lãi, nhưng với một ngành quan trọng mà sản phẩm có liên quan hầu hết tới các ngành kinh tế và quốc phòng của đất nước sẽ rất cần có vai trò của Việt Nam tham gia.

 

Thứ ba, theo ông Cường, tại các dự án thép, cần được các ngành chức năng quan tâm, kiểm soát ở hai lĩnh vực là công nghệ và tác động môi trường. Tuy nhiên, ở cả hai lĩnh vực này, các chuyên gia của Việt Nam còn yếu cả về trình độ lẫn công tác quản lý, giám sát, cần phải vươn lên khắc phục trong thời gian tới. Kinh nghiệm từ vụ xả nước thải làm “chết” sông Thị Vải của Nhà máy Vedan vừa qua là chứng minh sống động và cần được rút ra bài học cho ngành công nghiệp thép sau này.

 

Thứ tư, hiện nay việc phân cấp xét duyệt đầu tư cho các địa phương giúp cho hoạt động đầu tư thông thoáng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của đất nước. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo, đối với các công trình thép khổng lồ, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: đất đai, điện, nước, cảng, giao thông vận tải và đặc biệt là môi trường, cần phải được cân nhắc thận trọng khi chấp thuận dự án.

 

Điểm lưu ý cuối cùng là ngành thép đã có qui hoạch phát triển thép Việt Nam từ nay tới 2020 và tầm nhìn tới 2025 do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào tháng 7/2007. Quy hoạch này vẫn là cơ sở cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thép Việt Nam. Qui hoạch tuy không phải là bất biến và cần có sự điều chỉnh cho thích hợp với những biến đổi của tình hình kinh tế xã hội của đất nước, nhưng phải được coi là căn cứ để định hướng phát triển, không thể để các địa phương phát triển các dự án một cách tùy tiện, phá vỡ các cân đối mà bản qui hoạch đã tính toán.

 

Năm 2008, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát trong nước tăng ở mức cao; nhưng bằng những biện pháp điều chỉnh mạnh mẽ của Chính phủ, trong những tháng cuối năm, tình hình kinh tế trong nước đã có chuyển biến tích cực. Năm 2008, mức tiêu thụ thép trong nước vẫn duy trì ở mức gần 10 triệu tấn, giảm không đáng kể so với năm 2007.

 

Sản xuất phôi thép ở trong nước đã đạt 2,4 triệu tấn, lượng phôi thép nhập khẩu ở mức 2,1 – 2,2 triệu tấn. Lượng phôi tự sản xuất trong nước sẽ được tăng tiếp tục trong các năm tới vì có nhiều lò điện sẽ xây dựng xong trong năm 2009 – 2010, giúp cho ngành thép trong nước bớt sự phụ thuộc vào nguồn phôi của nước ngoài.

 

Các sản phẩm thép dẹt (tấm, lá, thép cuộn cán nguội, thép cuộn cán nóng …), trước đây Việt nam hoàn toàn phải nhập của nước ngoài, đến nay đã có 3 nhà máy cán nguội xây dựng ở trong nước và công suất đã đạt gần 1 triệu tấn/năm.


(Hà Nội Mới)

ĐỌC THÊM