Ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2007 và được coi là điểm nhấn quan trọng cho ngành thép, nhưng đến nay, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng nhiều vấn đề.
Đã có thông tin về việc nhà đầu tư Tata (Ấn Độ) có thể sẽ rút khỏi dự án thép 5 tỷ USD ở Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Không thừa nhận điều này, song khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Varun Bajaj, đại diện nhà đầu tư Tata, cũng không khỏi băn khoăn khi một dự án lớn, được đầu tư bởi hai tổng công ty lớn của Việt Nam (Tổng công ty Thép và Tổng công ty Xi măng) và một nhà sản xuất thép lớn thứ 7 thế giới (Tata góp 65% vốn) sau 3 năm làm thủ tục vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. “Nếu tiến độ vẫn chậm như vậy, chúng tôi sẽ phải cân nhắc việc chuyển nguồn lực này sang đầu tư ở một quốc gia khác”, ông Varun Bajaj nói.
Chính thức ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào giữa năm 2007, dự án thép 5 tỷ USD này có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 - 2015. Nhắm tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án thép Tata đã từng được coi là một điểm nhấn quan trọng cho ngành thép. Tuy nhiên, kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là chưa thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tháng 3 vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh và nhà đầu tư Tata giải quyết dứt điểm những tồn tại đang cản trở Dự án thép Tata, song cho tới nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Có diện tích đất dự án lớn, khoảng trên 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Con số này, theo ông Nguyễn Đình Vận, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, là rất lớn và vì thế, ngân sách tỉnh không đủ sức “cáng đáng”. Trong khi đó, Tata lại chỉ chấp nhận ứng trước khoảng 30 triệu USD, tương đương với mức tạm ứng của một nhà đầu tư lớn khác ở Vũng Áng.
Cái lý của Tata, theo ông Varun Bajaj, là đòi hỏi sự công bằng với các nhà đầu tư khác. Trong khi đó, Hà Tĩnh, do khó khăn về tài chính, đã rất nhiều lần kêu gọi chủ đầu tư Tata tích cực hơn nữa trong phối hợp với tỉnh để thực hiện một trong những vấn đề nan giải nhất này. Tuy nhiên, sự đồng thuận chưa tìm được và dự án vẫn chưa thể được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Để giải quyết khó khăn, theo thông tin của ông Nguyễn Đình Vận, Hà Tĩnh đã phải “viện nhờ” Trung ương và mới đây, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu tỉnh và nhà đầu tư xem xét, cân đối khả năng của cả hai phía, cả ngân sách địa phương và phần ứng trước của nhà đầu tư, thậm chí tính tới phương án phải dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ.
“Chúng tôi đã thành lập một tổ công tác để phối hợp với các bộ, ngành tính toán, xem nhà đầu tư có thể bỏ ra bao nhiêu, tỉnh chi trả được chừng nào và ngân sách có thể hỗ trợ ra sao”, ông Vận cho biết.
Hướng ra cho Dự án thép Tata đã có, song để giải quyết dứt điểm vướng mắc cho dự án này, đòi hỏi phải có sự rốt ráo hơn nữa của địa phương, cũng như chủ đầu tư.
Việc mở cửa cho một dự án thép lớn của một nhà đầu tư lớn như Tata là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Song gần đây, cũng có quan điểm cho rằng, Việt Nam đã cấp phép tràn lan nhiều dự án thép, gây dư thừa thép và ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Liên quan vấn đề này, tại “Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam” tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ cân nhắc việc cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án thép.
“Hiện nay, công suất của các nhà máy thép xây dựng tại Việt Nam đã lên tới 8 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 6 triệu tấn. Chính vì thế, tới đây, những dự án thép mới sẽ được cân nhắc và bố trí một cách hợp lý”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Nguồn tin: Baodautu