Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5%-6,7% là hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định như vậy tại tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và dự kiến năm 2018 của Quốc hội chiều ngày 31/10/2017.
Số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học
Giải trình các băn khoăn của cử tri cũng như đại biểu quốc hội về tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, về mặt số liệu là đáng tin cậy, phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, đã áp dụng nhiều năm nay, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế công nhận.
Thứ hai, Bộ trưởng cho rằng, tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao, 7,46%, là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm.
“Như vậy, quý IV chúng ta chỉ cần đạt 7,31% là cả năm có thể đạt 6,7%. Theo quy luật, quý IV bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được quý IV sẽ đạt kết quả 7,31% để đảm bảo cả năm đạt 6,7%, tôi xin báo cáo để Quốc hội yên tâm”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh số liệu của 9 tháng và đã báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng báo cáo bổ sung thêm số liệu của tháng 10, 10 tháng để thấy rõ tất cả các chỉ tiêu này cũng đều đang được tăng trưởng tích cực trong cả tháng 10 để đại biểu yên tâm.
Trong 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp đạt 8,7%, cao hơn cùng kỳ đó là 7,3% và 9 tháng đã báo cáo Quốc hội đó là chỉ tăng 7,1%, trong đó ngành chế biến, chế tạo đã tăng cao, đó là 13,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Cả năm ước đạt khoảng 13 triệu và đạt hơn 1 triệu khách/năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Thực hiện ước đạt khoảng 14,2 tỷ, tăng 11,8%, cùng kỳ chúng ta chỉ tăng có 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,7%, cùng kỳ chúng ta chỉ tăng 9%. Xuất khẩu của chúng ta tăng mạnh, ước đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 9 tháng đã báo cáo tăng 19,8%.
Cả năm, ước sẽ xuất khẩu khoảng 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ đồng.
Cả nước có 105 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký.
“Tình hình chung của các chỉ tiêu trong tháng 10 và tổng hợp của cả 10 tháng cũng đều đang diễn biến tích cực và đang tăng trưởng tốt. Nhìn chung kết quả 10 tháng cho thấy tín hiệu khả quan để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm và trong đó quý IV thường là quý tăng trưởng cao nhất và có đóng góp lớn nhất trong tổng GDP của cả năm. Điều này cũng do chu kỳ sản xuất và chu kỳ tăng trưởng, yếu tố mùa vụ”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Bộ trưởng nhất trí với nhận định của đại biểu Hàm ở Phú Thọ là về tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt, tăng giảm trong giữa các quý trong một năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu về kết quả và chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.
Theo thông lệ nhiều năm và gần như trở thành một quy luật thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý I bị ảnh hưởng do sự trùng hợp vào yếu tố chu kỳ đó là kết thúc tết âm lịch, ảnh hưởng bởi Tết, lễ hội, kết thúc của năm ngân sách và nhiều nhiệm vụ phải kết thúc trước khi bước sang một năm mới.
Ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, mua sắm, thời tiết. Hiện tượng và tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm, nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF đánh giá và phản ánh đúng chu kỳ, mùa vụ trong tăng trưởng của năm.
Qua tổng hợp cho thấy cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP của quý 1 chiếm 18%, quý 2 chiếm 24%, quý 3 chiếm 26%, quý 4 chiếm 32% tổng giá trị GDP của cả năm và quý IV thường có một tỷ trọng lớn nhất và có một vai trò quan trọng quyết định tăng trưởng của cả năm.
“Về việc tính toán GDP theo quý, đó là nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm và để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, thì cần phải đánh giá cả năm và trung hạn, dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Chất lượng tăng trưởng tích cực thể hiện trên 4 nhóm chỉ tiêu
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho rằng, nhìn chung chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, tuy chưa phải ở mức độ cao, nhưng cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới, thì hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng và đạt được ở mức độ cao hơn.
Có thể đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế ở nước ta tích cực và thể hiện trên 10 chỉ tiêu được UNDP và World Bank đánh giá, cũng như các chuyên gia đánh giá và tập trung ở 4 nhóm.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức độ trung bình cao và tương đối ổn định trong cả giai đoạn 2011 - 2017, bình quân 7 năm của chúng ta đạt 6,07%, đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng tăng trưởng.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế đã gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào và phát huy được các yếu tố đầu ra, đó là cơ cấu đã chuyển dịch giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng trong công nghiệp và dịch vụ, mô hình tăng trưởng đã có chuyển dịch tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và chuyển dần sang khu vực sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng được cải thiện trong 5 năm trở lại đây, nhưng vẫn đang còn ở mức cao, đó là hệ số ICOR. Rồi các yếu tố đầu ra mà quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta là xuất khẩu hàng hóa.
Thứ ba là môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh của quốc gia đã có nhiều tiến bộ và được quốc tế đánh giá cao, được tăng bậc rất nhiều chỉ số trong thời gian vừa qua.
Thứ tư là tăng trưởng đã thúc đẩy phát triển và đảm bảo được công bằng xã hội, tức là liên quan đến các vấn đề xã hội, trong đó có cả các chỉ số về con người... cho thấy chất lượng tăng trưởng của chúng ta đang được chuyển hướng hết sức tích cực.
Thứ tư, về mục tiêu tăng trưởng của năm 2018. Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế và có tính đến đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018, những khó khăn, thách thức khó lường có thể xảy ra; căn cứ định hướng, mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nhằm đảm bảo tăng được tính linh hoạt trong điều hành kinh tế theo điều kiện thực tế của năm 2018.
Vì sao mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 là hợp lý?
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5%-6,7% là hợp lý. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu được quốc tế và các chuyên gia dự báo năm 2018 là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi trong năm 2018. Tuy nhiên cũng cần thận trọng bởi những khó khăn, thách thức khó lường, nhất là những nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước.
Thứ hai, các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ tiếp tục đà tăng cao. Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực trong tăng trưởng cao như lọc hóa dầu Vi Sơn; sản xuất thép Formosa; phân bón dầu khí Cà Mau; cao su Đà Nẵng; các dự án ngành xi măng, alumin... tức là không chỉ Samsung mà còn rất nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực sẽ đi vào sản xuất trong năm tới.
Tuy nhiên, ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm, sản lượng khai thác dầu thô dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn trong năm nay. Theo đó, sẽ ảnh hưởng và giảm 0,5 điểm % trong tăng trưởng GDP.
Những cải thiện mạnh mẽ về các cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Thế nhưng, mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu trong một thời gian ngắn, tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao thì các ngành, các lĩnh vực sẽ phải gắng gượng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau.
Kế hoạch nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu năm còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế
Xung quanh câu chuyện phân giao vốn chậm và giải ngân chậm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân:
Một là, Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên chúng ta được áp dụng và trải qua hơn 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần được đánh giá tổng thể và tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát và nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đồng thời phải tạo được thuận lợi là đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc giao vốn giải ngân và phát huy hiệu quả.
Mặc dù, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước không bao gồm trái phiếu chính phủ năm nay đã được giao ngay từ đầu năm và đạt ngay 93% trước 31/12 nhưng tốc độ giải ngân thấp, hết 9 tháng mới đạt 54%.
“Vốn trái phiếu chính phủ chúng ta cũng giao chậm và chưa đủ thời gian để giải ngân, chủ yếu là giao chậm vốn trái phiếu chính phủ, còn vốn ngân sách nhà nước thì giao đúng và kịp”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Về nguyên nhân chậm giao vốn trái phiếu chính phủ, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, là do đặc thù của nguồn vốn trái phiếu chính phủ là chỉ được phân bổ cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, tức là phải nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được Quốc hội thông qua, không được điều hòa sang các nguồn tiền khác.
“Trong khi đó, năm 2017 chúng ta phải làm 2 việc song song, đó là vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hàng năm nên đã gặp nhiều lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án. Mất nhiều thời gian khi hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới”, Bộ trưởng giải trình thêm.
Về khách quan là do phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn của Luật Đầu tư công trong bối cảnh chưa quen với các quy định mới nên còn nhiều bất cập cũng như lúng túng.
Về chủ quan thì bên cạnh việc chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết của các cơ quan liên quan còn có trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp đó là còn nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết.
Công tác dự kiến kế hoạch nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu năm còn nhiều hạn chế, dự kiến chưa sát với thực tế. Việc chuẩn bị các dự án đủ điều kiện để phân bổ giao vốn không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương nên xảy ra tình trạng chờ đợi lẫn nhau để tổng hợp và phải giao thành nhiều đợt để đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành địa phương.
“Về nguyên nhân giải ngân thấp, về chủ quan là do việc giao vốn chậm cũng là một nguyên nhân, nhưng tôi xin khẳng định đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, vì cơ bản chỉ chậm đối với các dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn trái phiếu chính phủ do chưa đủ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, báo cáo tác động môi trường cũng mất nhiều thời gian và một số vướng mắc chưa kịp được tháo gỡ kịp thời, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các thủ tục sau khi được giao kế hoạch còn mất rất nhiều thời gian như thủ tục hoàn thiện thẩm định, phê duyệt, thiết kế kỹ thuật của dự án, thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng, thủ tục hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán khối lượng thẩm định ở kho bạc. Tâm lý chung của chủ đầu tư và nhà thầu đợi đến khi có đủ khối lượng thực hiện hoặc đến cuối năm thì mới thanh toán tại kho bạc…
Về cơ quan chủ quản chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai dự án thi hành và quyết toán.
Về khách quan, đó là công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, một số còn phụ thuộc vào các yếu tố về thời tiết như mưa, bão, lũ và tiến độ thi công công trình bị ảnh hưởng, nhiều công trình bị đình trệ và không thực hiện dẫn tới khối lượng thanh toán và giải ngân vốn chậm.
Về giải pháp, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 70 của Chính phủ, đặc biệt trong đó chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện công khai và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.
Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân và kế hoạch đầu tư công của năm 2017, phát hiện kịp thời xử lý những vướng mắc, chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Riêng về kế hoạch năm 2018, chúng tôi đang tổng hợp báo cáo Chính phủ và phấn đấu sẽ giao một lần hết kế hoạch ngân sách nhà nước và trước 31/12/2017.
Nguồn tin: Vinanet