Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đau đầu cuộc khủng hoảng dư thừa thép

Quyết định của Tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) bán toàn bộ các nhà máy tại nước Anh đã đẩy ngành công nghiệp thép của “xứ sở sương mù” chìm vào khủng hoảng, đồng thời khơi mào cho một làn sóng phản đối thép giá rẻ từ Trung Quốc trên lục địa châu Âu.

Khi châu Âu “tức giận”

Ngày 30/3, Tata Steel thông báo sẽ nghiên cứu các giải pháp tái cơ cấu, trong đó tính đến việc bán lại toàn bộ các nhà máy của họ tại nước Anh sau khi thua lỗ tới 2,8 tỷ USD trong 5 năm qua. Trong thông báo, Tata Steel cho biết hoạt động sản xuất của họ bị sụt giảm nghiêm trọng ở nước Anh và cả châu Âu, do khủng hoảng sản xuất thừa trên thế giới, giá thành sản xuất tăng cao, khiến mặt hàng thép bị thua lỗ nặng.

Tình trạng này sẽ còn kéo dài trong tương lai và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh lâu dài của tập đoàn tại nước Anh. Tại Vương quốc Anh, Tata Steel tuyển dụng 15.000 công nhân làm việc trong ngành thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới con số 40.000.

 

Trong khi đó, tại Đức, hơn 40.000 công nhân ngành thép đã xuống đường biểu tình do lo ngại về khả năng thất nghiệp trong tương lai. Trong đó, nguyên nhân chính khiến họ lo ngại chính là hành động bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Hàng nghìn lao động làm việc trong ngành thép Đức đã tổ chức tuần hành trong ngày 11/4 để yêu cầu chính phủ mạnh tay hơn đối với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và tăng cường bảo vệ việc làm giữa lúc tương lai của nhà sản xuất thép Thyssenkrupp có nhiều bất ổn.

Ngành thép hiện tuyển dụng 87.000 lao động trực tiếp ở Đức và không giống như nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nước này vẫn có một nền công nghiệp chế tạo vững mạnh. Hiện có 3,5 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực và dịch vụ liên quan tới ngành thép ở Đức.

Trước tình hình trên, ngày 13/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker cho biết, EU sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện các dấu hiệu bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Junker khẳng định EU đang điều tra khả năng các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm của họ tại thị trường châu Âu và sẽ có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết.

Tháng Hai vừa qua, EC đã mở ba cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và đánh thuế đối với hai sản phẩm thép khác. Mặc dù thừa nhận ngành công nghiệp thép của châu Âu đang tồn tại nhiều vấn đề, Chủ tịch Junker cho rằng với lực lượng lao động hơn 360.000 người, đây vẫn là ngành công nghiệp công nghệ cao cần được đầu tư và bảo vệ.

Với doanh thu hàng năm khoảng 166 tỷ euro (189 tỷ USD), ngành sản xuất thép châu Âu đóng góp 1,3% vào GDP của toàn khối và sử dụng khoảng 328.000 lao động. Tháng trước, lãnh đạo các chính phủ EU đã cam kết sẽ hành động mạnh tay để bảo vệ ngành công nghiệp này.

“Bề nổi của tảng băng”

Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng nhiều trước những lời kêu gọi nước này chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang “gây lụt” thị trường và đẩy các nhà sản xuất nước ngoài vào bước đường cùng.

Trong khuôn khổ cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du đến Bắc Kinh mới đây, Ngoại trưởng Anh quốc Philip Hammond đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép, đồng thời đề nghị phía Trung Quốc tăng cường nỗ lực nhằm giảm sản lượng và cùng giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, thu hẹp nguồn cung thép không phải là việc có thể làm trong “một sớm một chiều”, thậm chí quá trình này có thể kéo dài hàng năm. Đó là chưa kể đến việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với nhịp độ tăng trưởng chạm “đáy” của 25 năm, cùng những bất ổn trên thị trường lao động, nên nước này chắc chắn không muốn tạo ra thêm bất ổn xã hội qua việc sa thải thêm hàng triệu lao động trong ngành thép.

Số liệu chính thức cho thấy khả năng sản xuất thép của Trung Quốc đạt khoảng trên 1,1 tỷ tấn mỗi năm, chưa kể đến khoảng 100 triệu tấn thép khác được sản xuất phi pháp.

Năm ngoái, Bắc Kinh xuất khẩu 110 triệu tấn thép, con số kỷ lục trong lịch sử này cao gấp 10 lần sản lượng thép của nước Anh. Hàng trăm lao động của ngành công nghiệp thép Trung Quốc bị sa thải đã tổ chức các biểu tình trong tuần trước, tại trước trụ sở doanh nghiệp mà họ từng làm việc.

Tuy vậy, đây mới chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi các doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc đã thua lỗ hơn 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) trong năm 2015. Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong ngành thép những năm tới. Con số đó cao hơn 328.000 lao động đang làm việc trực tiếp trong ngành công nghiệp sản xuất thép ở EU.

Sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng gấp bảy lần giai đoạn 2000-2004 khi nhu cầu trong nước tăng mạnh, nhờ đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại các đô thị đang phát triển và chính phủ đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp nặng để ứng phó với các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Năm 2014, Trung Quốc sản xuất khoảng 820 triệu tấn, tương đương khoảng 50% tổng sản lượng thép toàn cầu và cao hơn bảy lần so với quốc gia sản xuất thép nhiều thứ hai thế giới là Nhật Bản.

Nhu cầu trong nước của Trung Quốc đối với thép đã tăng lên đỉnh điểm trong năm 2014, cũng là năm hoạt động xây dựng ở nước này bắt đầu hạ nhiệt và đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến giá thép lao dốc. Vì thế, các doanh nghiệp nước này đang tìm cách xuất khẩu thép sang các thị trường nước ngoài, chủ yếu là châu Á, để giải quyết bài toán dư thừa.

Theo các chính trị gia châu Âu, ngành thép Trung Quốc hiện là nguyên nhân khiến giá thép sụt giảm và gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung tác động tiêu cực tới hoạt động không chỉ của chính ngành thép nước này mà còn cả thế giới.

Nguồn tin: Trí thức & Công luận

ĐỌC THÊM