Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dấu hiệu tích cực từ việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ

Lần đầu tiên, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu từ 4 thị trường trong khu vực.

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số loại thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Theo Quyết định này, doanh nghiệp (DN) của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29%.

Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64 - 6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ 5/9/2014. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được ban hành (năm 2004).

Trước đó, vào tháng 7/2013, Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với thép không gỉ nhập từ 4 thị trường trên.

Mặt hàng thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào sử dụng trong các ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa bát, xoong, nồi, đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm hoặc các bộ phận của xe hơi...

Trong khi tại Việt Nam, Posco VST và Hòa Bình đang chiếm 80% thị phần inox. Hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hiện hưởng thuế suất 0% do có quan hệ AFTA nên mức thuế hiện là 0%.

Giá thép không gỉ nhập khẩu từ các thị trường này có giá thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Chính điều đó đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước như công suất, doanh thu giảm, tỷ lệ thua lỗ tăng cao, lượng hàng tồn kho tăng...

Nói về vấn đề này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, bày tỏ, việc Việt Nam đánh thuế chống bán phá giá thép không gỉ ngoại nhập là dấu hiệu tích cực ghi nhận sự ủng hộ và đồng hành từ phía Nhà nước đối với các DN nội địa.

"Trước nay chúng ta cứ đi kiện các nước do bị đánh thuế chống bán phá giá hay bị áp những thủ tục, rào cản thương mại gây cản trở cho người xuất khẩu, làm tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng hiệu quả thì vẫn chưa thấy đâu. Nay việc này đã được "chữa sai" bằng cách Nhà nước ban hành những biện pháp nhằm đánh thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu có tính tăng trưởng đột biến, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các DN nội địa, là điều tất nhiên", ông Thái nói.

Điều này đã vấp phải những ý kiến trái chiều, cho rằng, có công bằng không khi hội nhập, thuế xuất 0% mà lại ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Theo ông Thái, thật ra đây là điều cần thiết, dù DN đã tham gia vào cùng một "sân chơi" nhưng sân chơi đó phải bình đẳng, nếu có một sự bất thường về việc nhập hàng hóa thì nước đó phải lên tiếng.

Điều này các nước trên thế giới đã làm dù rằng họ ký rất nhiều các hiệp định thương mại quốc tế. Động thái của Bộ Công Thương được xem là tín hiệu tích cực trước ngưỡng Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành (dự kiến vào cuối năm 2015).

Dĩ nhiên, khi tham gia vào sân chơi chung này, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường nhưng cũng sẽ gặp không ít sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, do đó, việc thích nghi và am hiểu về các biện pháp phòng vệ thương mại là điều rất cần thiết.

Nguồn tin: Doanh nhân

ĐỌC THÊM