Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dấu hỏi ở dự án triệu 'đô'

Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, gồm khu liên hợp thép, nhà máy nhiệt điện và cảng biển, được xem là lớn nhất nước ở thời điểm khởi động. Thế nhưng, sau ngày rầm rộ động thổ (23/11/2008), dự án chuyển sang giai đoạn… rề rà.

Dự án này có tổng vốn đầu tư cho 4 giai đoạn lên đến gần 157.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 triệu USD), liên doanh giữa Công ty Maju Stabil SDN (thuộc tập đoàn Lion- Malaysia) và Vinashin (tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN). Từ tháng 3/2009, đại dự án rộng gần 2.000 ha đất, niềm kỳ vọng của người dân tỉnh nghèo Ninh Thuận, đã bất động hoàn toàn.

Dự án lửng lơ, sản xuất của cả hàng trăm hộ dân đình đốn.

Kỳ vọng thành thất vọng

Theo thiết kế, giai đọan I (2008 - 2010), dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng một năm (tổng công suất dự án 14,42 triệu tấn thép thô một năm); 2 nhà máy nhiệt điện công suất 1.450 MW, cảng biển năng lực bốc dỡ 15 triệu tấn mỗi năm cũng được đầu tư.

Vốn cho giai đoạn I gần 448 tỷ đồng. Thời điểm trước khởi công, Vinashin đã bồi thường 84 tỷ đồng (trong 130 tỷ đồng) để giải phóng mặt bằng 662 ha đất thuộc giai đoạn I. Số tiền còn lại, đến nay vẫn chưa đến tay các hộ bị giải tỏa ở thôn Thương Diêm I và II, xã Phước Diêm. Khu tái định cư cũng mới có…trên giấy.

Tính đến cuối tháng 2, dự án đã chậm đến 17 tháng, đủ điều kiện để tỉnh Ninh Thuận thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 17/9/2008. Nhưng kỳ vọng “đại dự án” sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nghèo, UBND tỉnh nhiều lần làm việc với hai tập đoàn, cũng như có văn bản hướng dẫn, đôn đốc hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Ngày 21/12/2009, sau buổi làm việc với nhà đầu tư, tỉnh Ninh Thuận lại “nhún nhường”, bằng việc đồng ý cho Tập đoàn Lion không thực hiện hợp phần cảng hàng hóa. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Nghị yêu cầu chủ đầu tư phải thể hiện quyết tâm đầu tư bằng các hành động cụ thể, như thành lập tổ chức có đủ pháp nhân đại diện chủ đầu tư tại Ninh Thuận; lập, phê duyệt dự án; khảo sát địa chất, báo cáo tiến độ góp vốn, ưu tiên vốn giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư… Tỉnh cương quyết sau ngày 5/1, sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nếu chủ đầu tư không có những động thái cụ thể. Nhưng, đến nay, mọi việc vẫn… đứng yên.

Sốt ruột với đại dự án

Anh Tâm ở thôn Thương Diêm cho biết tháng 11/2007, anh nhận 70% tiền bồi thường đìa tôm, phần còn lại chủ đầu tư cứ hẹn rồi hứa. Có dự án to, bà con mừng vì con em sẽ có việc làm. Vậy mà bây giờ ruộng muối đìa tôm đều bỏ hoang, nhà nhà thất nghiệp vì không sản xuất. Còn anh Võ Văn Vũ ngậm ngùi: Trước khi đất bị thu hồi, mỗi năm nuôi tôm gia đình tôi lãi khoảng 400 triệu. 3 năm nay, tôi mất cả tỷ đồng vì không nuôi tôm, lại phải bán đổ bán tháo máy móc. Đìa tôm gần 2 ha chỉ được bồi thường 70% giá trị, rồi im đến giờ. Cũng từ ngày đại dự án khởi công, nhiều hộ chăn nuôi đã bán cả ngàn con bò, dê, cừu… vì lo không còn chỗ chăn nuôi. Bây giờ chuồng trại hư hỏng, không có việc làm, bà con chỉ còn biết kêu trời.

Khổ hơn là các hộ hăng hái chuyển đổi nghề ngay khi đất bị thu hồi. Bà con vay vốn ngân hàng NN-PTNT huyện Ninh Phước, vay nóng bên ngoài, mỗi hộ từ 100 - 200 triệu đồng, để làm ăn vì tin sẽ nhanh chóng nhận tiền bồi thường. Nhưng bây giờ đến hạn trả nợ, họ chỉ biết chìa quyết định thu hồi đất, bảng kiểm kê, áp giá bồi thường mà khất nợ ngân hàng. Người dân Phước Diêm bức xúc: Hàng trăm ha đất bỏ hoang nhưng dân không dám sản xuất, dù chưa nhận được tiền bồi thường. Nhà dột không dám sửa vì đã kiểm kê; trong khi nhà tái định cư chưa thấy…

baodatviet

ĐỌC THÊM