Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đâu là mô hình mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

 Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong tiến trình cải cách trong thời gian qua. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã không còn phù hợp, vì thế, Việt Nam xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng mới.

Diễn đàn giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng khuôn khổ Dự án cải cách kinh tế vĩ mô và Hỗ trợ tăng trưởng xanh do Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 24/10 nhằm tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, động lực mới, tháo bỏ các nút thắt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2018 - 2020.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế 3 quý đầu năm, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, riêng quý III đạt mức tăng trưởng kỷ lục 7,46%, dự kiến năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,7%, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã được Quốc hội đặt ra.

Để đạt được kết quả tích cực này, theo phân tích của ông Cung, là nhờ có sự tăng trưởng đột phá của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đặc biệt là ở một số sản phẩm chủ lực như thép, hàng điện tử, điện thoại.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy hải sản có sự phục hồi đáng ghi nhận và một phần là nhờ khai thác khoáng sản dù xu huớng của ngành này giảm xuống.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng bứt phá của nền kinh tế 3 quý năm 2017 còn có sự đóng góp đáng kể của đầu tư nuớc ngoài và tăng tốc của xuất khẩu, trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 70% kim ngạch.

Đánh giá về kết quả cải cách và tác động tới tăng trưởng, ông Henri Pierre Gebauer, Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án cải cách vĩ mô/tăng trưởng xanh nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong tiến trình cải cách trong thời gian qua. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã không còn phù hợp, vì thế, Việt Nam xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng mới.

Đặc biệt, các chính sách cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng phải hướng mạnh tới nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng năng suất lao động và theo định hướng phát triển bền vững, tận dụng các dư địa động lực mới để đẩy mạnh tăng trưởng.

Đồng tình quan điểm này, đại diện CIEM đã đưa ra một số gợi mở dư địa có thể điều chỉnh để tháo gỡ nút thắt giúp đạt được tăng trưởng cao, bền vững. Cụ thể, cần tập trung mạnh vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh thông qua đẩy mạnh cải cách, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

“Nhìn vào các lĩnh vực chính sách, ta thấy hiện lạm phát ổn định ở mức thấp, trong khi chúng ta đang đứng trước áp lực phải giảm chi phí cho DN và giảm lãi suất là một công cụ và đang có dư địa để giảm lãi suất cho DN. Làm được điều đó, DN có điều kiện hơn nhiều nhưng phải là giảm lãi suất đại trà chứ không phải là giảm lãi suất cho một số nhóm đối tượng ưu tiên”, ông Cung gợi ý.

Cũng theo ông Cung, cần có các giải pháp hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, giảm các tác động hành chính vào thị trường như các gói tín dụng chính sách không cần thiết, bỏ trần huy động, bỏ hạn mức tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng...

Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tập trung đẩy mạnh xử lý các vấn đề tồn tại của các dự án đầu tư công như liên tục phải điều chỉnh dự toán, xử lý triệt để sai phạm và trách nhiệm quản lý trong đầu tư BOT, BT.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị cần mạnh dạn gỡ bỏ các vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm chứ không phải để giữa năm và cuối năm mới bàn các giải pháp thúc đẩy, dẫn tới chậm trễ như hai năm qua.

Đồng thời, tăng hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước , tư nhân trong nước. Đây là dự địa lớn để đẩy nhanh tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán

ĐỌC THÊM