Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đầu ra là ưu tiên số một của ngành thép

Lượng hàng tồn kho cao, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để tạo đầu ra ổn định, tăng lượng sản phẩm tiêu thụ là những vấn đề đang được ngành thép ưu tiên hàng đầu, chứ không đơn thuần là bài toán tìm vốn để phát triển sản xuất. Đó là những nội dung mà ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt nam đã trao đổi với báo giới ngày 21-9.

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành thép thời gian qua?
 
Trong 8 tháng qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành thép đã giảm xấp xỉ 10% so với cùng kỳ, và giảm thấp hơn nữa so với kế hoạch. Kế hoạch đưa ra cho năm 2012 là ngành sẽ tăng sản xuất từ 3-4% nhưng, thực tế lại đang âm khoảng 10%. Nguyên nhân và cũng là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt chính là vấn đề đầu ra, đặc biệt trong quý 3 vừa rồi, lượng thép tiêu thụ rất thấp so với mức trung bình. Cụ thể, trong tháng 6, toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 297.000 tấn, tháng 7 được 351.000 tấn, tháng 8 được 356.000 tấn, so với mức trung bình phải là 400.000 - 420.000 tấn thép.
 
Để tháo gỡ khó khăn, hiện ngành thép đang áp dụng những giải pháp gì, thưa ông?

Trên thực tế, với ngành thép, dù lượng tồn kho lớn nhưng không phải quá cao. Bởi đặc thù trong hoạt động sản xuất tiêu thụ thép luôn cần một lượng tồn kho nhất định. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành thép đang áp dụng 3 giải pháp chính. Thứ nhất, trên cơ sở tiêu thụ thép trên thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh, đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh hiện tượng sản xuất dư thừa, gây sức ép lớn làm hại cho các DN. Thứ hai, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm tiêu hao, giảm chi phí quản lý gián tiếp, từ đây giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đối với thép xây dựng, chúng ta đã xuất đi một số nước, đặc biệt các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanma... Việc làm này sẽ giúp giảm áp lực dư thừa thép trong nước.
 
Về phía các cơ quan chức năng, Hiệp hội đã đưa ra nhiều kiến nghị. Đơn cử, do đầu ra của ngành thép phụ thuộc thị trường BĐS, xây dựng, các đầu tư công... do đó, Nhà nước nên có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này. Chính phủ cũng đã có dấu hiệu nới lỏng đầu tư công, song do tất cả các chính sách đặt ra luôn có độ trễ nhất định nên vẫn chưa thể đến ngay với DN.
 
Đồng thời, kích thích đầu ra bằng cách giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong một thời gian nhất định. Riêng về chính sách giảm lãi suất của các NH là việc làm cần thiết, rất đáng hoan nghênh và chúng tôi còn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm hơn nữa. Song, với ngành thép trong thời điểm này, vốn không phải ưu tiên số một, mà đầu ra mới là cái chúng tôi hướng tới.
 
Vậy với các DN ngành thép, liệu có gặp khó khăn chung như của nhiều DN hiện nay là khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi không, thưa ông?
 
Đúng là có những DN gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay của NH, nhưng đây thường là những DN làm ăn khó khăn. Còn nhiều DN làm ăn tốt, có thương hiệu thì việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng không khó. Trên thực tế, tùy từng NH và từng DN đang được áp dụng mức vay khác nhau. DN tốt được vay khoảng 11-12%, đúng quy định của NHNN. Những đơn vị khó khăn, hàng không bán được thì tất yếu, khó vay do NH phải xem xét khả năng hoàn vốn. Hoặc, các đơn vị này cũng không cần vay, bởi vay để sản xuất và phải để bán được mới vay.
 
Khả năng hấp thụ vốn của các DN đang hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Nếu thị trường tốt lên, cụ thể trong quý 4 tình hình tiêu thụ đạt mức trung bình trở lên thì chắc chắn, khả năng hấp thụ vốn của DN sẽ tốt lên.
 
Xuất khẩu cũng là một giải pháp mà ngành thép hướng tới. Vậy các DN cần làm gì để tránh những vấn đề liên quan đến chống bán phá giá?

Chống bán phá giá đang là điểm nổi lên của các quốc gia trên thế giới, do họ phải tìm mọi cách bảo vệ sản xuất trong nước. Do đó, điều quan trọng nhất là các DN cần cung cấp những số liệu minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho Bộ Thương mại các nước chúng ta xuất khẩu hàng sang kiểm tra, xem xét tình hình. Nếu họ thấy hợp lý, họ sẽ đưa ra chính sách thuế phù hợp cho DN. Vụ việc ống thép Việt Nam thoát kiện chống bán phá giá ở Mỹ chính là một ví dụ.
 
Liệu ngành thép có khả năng phục hồi trong thời gian tới hay không, thưa ông?

Theo quy luật của các năm, quý 4 luôn là thời điểm các công trình cố gắng tập trung vốn và sức để hoàn thiện. Do đó, nhiều khả năng, quý 4 cũng là thời điểm để ngành thép khôi phục. Tuy nhiên, sang đến quý 1-2013, do vướng vào các ngày Tết nên sản lượng tiêu thụ có thể lại thấp đi.

Nguồn tin: Daidoanket

ĐỌC THÊM