Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đầu tư khu liên hợp thép: Thiếu kinh nghiệm về luyện kim

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng với tổng vốn đầu tư 7,9 tỉ đô la Mỹ của Tập đoànFormosa ( Đài Loan) mới đây đã được Ban quản lýkhu kinh tế Vũng Áng ( Hà Tĩnh) trao giấy chứng nhận đầu tư và đã khởi công xây dựng.

 

Hai DA liên hợp thép lớn nhất Việt Nam với công suất lên tới gần 30 triệu tấn mới được cấp phép lại do các tập đoàn không có kinh nghiệm về luyện kim thực hiện.

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng với tổng vốn đầu tư 7,9 tỉ đô la Mỹ của Tập đoànFormosa ( Đài Loan) mới đây đã được Ban quản lýkhu kinh tế Vũng Áng ( Hà Tĩnh) trao giấy chứng nhận đầu tư và đã khởi công xây dựng.

Theo giấy phép đầu tư, dự án có tổng công suất lên đến 15 triệu tấn/năm.

Ngày 19/9/2008, tập đoàn Lion của Malaysia liên doanh với Vinashin cũng đã được UBND tỉnh Ninh Thuận trao giấy phép chứng nhận đầu tư cho dự án khu liên hợp thép tại Cà Ná trị giá 9,8 tỷ USD.

Formosa là Tập đoàn công nghiệp nặng của Đài Loan chuyên vềlĩnh vực hoá dầu và chất dẻo, chưa làm thép bao giờ.

Còn với Công ty Maju stabil Sdn. Bhd thành viên của Tập đoàn Lion Diversiffied Holding Behard (đối tác trong liên doanh Khu liên hợp thép Cà Ná mới được thành lập ngày 24/5/2007 chưa có tiếng tăm trong lĩnh vực sản xuất thép),Lion Diversiffied Holding Behard là tập đoàn kinh doanh đa ngành, không thuộc hàng ngũ các công ty sản xuất thép lớn.

Cả 2 tập đoàn trên đều không thuộc hàng ngũ 20 tập đoàn luyện kim hàng đầu trên thế giới, nhưng lại đầu tư 2 liên hợp thép lớn nhất Việt Nam tính đến thờiđiểm hiện nay.

 

Vì sao?

 

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, trong Hội thảo về luyện kim do tạp chí SBB ( Tạp chí thông tin luyện kim thế giới có văn phòng tại Singapore) tổ chức tại TP.HCM ngày 16/9 vừa qua, rất nhiều chuyên gia luyện kim nước ngoài đã đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại chấp nhận nhiều dự án thép lớn và có những dự án lại giao cho các công ty không có tên tuổi về luyện kim trên thế giới thực hiện?

Với Formosa, người ta không nghi ngờ về khả năng tài chính của tập đoàn này, nhưng đặt câu hỏi về vấn đề công nghệ. Với một tập đoàn chưa có kinh nghiệm trong luyện kim lại đầu tư, quản lý ngay một dự án cỡ liên hiệp không biết sẽ như thế nào? Còn với Lion thì người ta đặt ra cả vấn đề về tiềm lực tài chính lẫn công nghệ luyện kim của tập đoàn này.

Các phân tích cũng cho thấy, để làm dự án thép quy mô cỡ liên hợp không đơn giản, trái lại khá phức tạp và không phải cứ có nhiều tiền là làm được.

Liên hợp thép sẽ sử dụng công nghệ nào,xây dựng và quản lý ra sao cho có hiệu quả là những vấn đề không dễ dàng gì. Với các tập đoàn luyện kim lớn đã có kinh nghiệm và làm chủ công nghệ luyện kim thì việc quyết định sử dụng công nghệ nào và quản lý ra sao chắc chắn sẽ thuận lợi hơnnhững tập đoàn chưa có kinh nghiệm.

Khi thiếu kinh nghiệm thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà tư vấn. Vấn đề đặt ra là việc lựa chọn các nhà tư vấn cũng như việc ra quyết định với các phương án mà nhà tư vấn đưa ra là chuyện không đơn giản với chủ đầu tư. Nhưng điều đó lại quyết định đến sự thành công của dự án.

Như đã nói, Formosa và Lion là 2 tập đoàn còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực luyện kim nhưng lại đầu tư ngay vào liên hợp thép với công suất lớn nên không khỏi bị đặt câu hỏi về khả năng đảm bảo thành công của các dự án lớn.

Hiệp hội Thép cũng cho biết, hơn 10 năm trở lại đây trên thế giới rất ít có các liên hợp thép quy mô 15 triệu tấn trở lên được xây dựng, chủ yếu là sáp nhập, nâng công suất.

Bản thân tập đoàn thép Posco ( Hàn Quốc)- Tập đoàn thép thứ 3 trên thế giới đầu tư 1 liên hợp thép tại Ấn Độ với công suất 12 triệu tấn/năm cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và đã gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Tata ( Ấn Độ) là tập đoàn thép lớn thứ 6 trên thế giới, liên doanh với Tổng công ty thép Việt Nam đầu tư Khu liên hợp thép tại Hà Tĩnh cũng chỉ dám làm ở mức 5 triệu tấn/năm.

Đến nay nhiều ý kiến vẫn đang tranh luận xung quanh 2 dự án liên hợp thép lớn nêu trên. Có ý kiến cho rằng đầu tư vào luyện kim đòi hỏi vốn lớn và rủi ro cao. Các DN Việt Nam vốn không nhiều vì vậy việc để các tập đoàn nước ngoài đầu tư là giải pháp nhằm giảm rủi ro cho phía Việt Nam.

Cũng có ý kiến cho rằng đầu tư vào lĩnh vực nào là quyền của DN, không nhất thiết cứ phải đòi hỏi có kinh nghiệm.Nhà đầu tư tự làm tự chịu. Làm tốt thì sẽ phát triển và thành công, ngược lại theo quy luật thị trường sẽ bị đào thải, vì vậy không cần bận tâm nhiều.

Nhưng cũng có không ít các ý kiến ngược lại. Nếu đã biết đầu tư vào thép rủi ro cao thì càng không nên giao các dự án lớn cho các tập đoàn thiếu kinh nghiệm. Bởi như vậy rủi ro càng tăng cao. Dự án lớn không thành công không chỉ có nhà đầu tư phải chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội mà các địa phương sẽ phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép thì Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan.

Khi dự định đầu tư 1 liên hợp thép thì Thái Lan mời 5 tập đoàn hàng đầu về luyện kim trên thế giới tham gia lập dự án sau đó lựa chọn, còn việc đầu tư các dự án thép của Việt Nam lại đang do các địa phương đề nghị lên.

 

 

Vietnamnet/CafeF

ĐỌC THÊM