Để giảm giá thành sản phẩm khi các yếu tố đầu vào tăng cao, không bị lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, gia tăng tỷ suất lợi nhuận, các doanh nghiệp (DN) thép không còn con đường nào khác là đầu tư quy trình sản xuất khép kín, cải tiến công nghệ, tăng quy mô sản xuất. Những DN đi trước trên con đường này đã nhận được phần thưởng xứng đáng là sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững. Câu chuyện năm 2010 Năm 2010 là năm nhiều thăng trầm của thị trường thép. Đặc biệt, thời điểm tháng 11, tháng 12, giá thép thế giới giảm, lãi suất vay vốn tăng cao, DN hầu như không thể bán được hàng trong nước, do nhu cầu giảm mạnh, nhất là khi chính sách tín dụng được thắt chặt. Nhiều DN có nguy cơ lỗ vốn hàng tồn kho. Bất ngờ, thiên tai xảy ra tại Úc, Braxin (hai nước cung cấp lớn than và quặng cho sản xuất thép trên thế giới) làm giá thép quay đầu tăng cao. Nhiều DN trong nước vội tái xuất thép, trả nợ ngân hàng. Câu chuyện này cho thấy, hoạt động đầu cơ thép nhiều rủi ro. Nhiều DN có chiến lược đầu cơ hàng tồn kho đã phải đưa hàng tồn kho về mức trung bình phục vụ sản xuất để có thể kiểm soát rủi ro. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC, năm 2010, DN thép nhập khẩu càng nhiều càng thiệt hại lớn, vì lãi suất, tỷ giá tăng. DN nào chủ động được nguyên liệu sản xuất trong nước, giảm giá thành mới bán được hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường thép thế giới và diễn biến trái chiều giữa thị trường thép trong nước và thế giới. Sản xuất khép kín, xu hướng tất yếu Quy trình khép kín bắt đầu từ hai nguyên liệu chính là quặng sắt tinh chế và than cốc (coke) sử dụng công nghệ lò cao (hoặc thép phế sử dụng công nghệ lò điện), luyện thành phôi: phôi dài hoặc phôi dẹt (slab). Phôi dài sản xuất thép xây dựng, phôi dẹt (chỉ có thể luyện bằng công nghệ lò cao) sản xuất thép cán nóng. Từ thép cán nóng sản xuất thép cán nguội, từ cán nguội qua các công đoạn ủ, công đoạn mạ… sản xuất ra sản phẩm đa dạng, ví dụ như tôn, xà gồ, thùng ô tô, ống thông hơi nhà cao tầng, vỏ tủ lạnh, máy lạnh… Nhu cầu sử dụng rất cao. Hiện Việt Nam chưa có DN nào sản xuất được phôi dẹt. Một số DN như Vosco, Hoa Sen, Thống Nhất đầu tư sản xuất thép cán nguội từ thép cán nóng nhập khẩu. Công nghệ lò cao hiện rất phổ biến, 65% sản lượng thép thế giới được sản xuất từ quặng sắt theo công nghệ này. Ở Việt Nam mới có một số DN như Thái Nguyên, Hòa Phát, Vạn Lợi, Formusa, thép Quảng Liên và Tycoons đầu tư công nghệ lò cao. Riêng Hòa Phát có Khu liên hợp sản xuất khép kín từ chế biến quặng sắt, sản xuất than cốc, luyện gang cho đến thành phẩm đầu ra là phôi thép thành phẩm và thép xây dựng. Dựa trên nguồn tài nguyên quặng sắt dồi dào, cùng với nguồn than và đá vôi phong phú,Việt Nam rất có lợi thế sản xuất theo công nghệ lò cao. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, qua điều tra, tìm kiếm và thăm dò quặng sắt, đến nay đã phát hiện được 216 mỏ và điểm quặng sắt, với tổng trữ lượng khoảng 1,2 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng đã được thăm dò và đang trong quá trình khai thác khoảng trên 761 triệu tấn. Với công nghệ lò điện, luyện phôi từ thép phế, một số DN tiếp tục đầu tư dây chuyền mới, có chỉ số tiêu hao điện ít hơn nhiều so với các lò điện cũ. Công nghệ của châu Âu tiêu hao điện là 500 KWh/tấn phôi so với mức 700 KWh/tấn công nghệ Trung Quốc mà một số DN đang sử dụng. Mỗi bước trong quy trình sản xuất thép khép kín là một bước gia tăng lợi nhuận. Ví dụ, tại thời điểm này, DN hưởng lợi từ 50 - 70 USD/tấn thép cán nguội sản xuất thay cho nhập khẩu. Và sản xuất phôi trong nước cũng thấp hơn phôi nhập khẩu ở mức 50 - 70 USD/tấn, tùy công nghệ. Ngoài ra, sản xuất mỗi công đoạn giúp DN kiểm soát chi phí đầu vào, chi phí chênh lệch tỷ giá, lãi suất vay vốn nhập khẩu và các rủi ro biến động giá trên thị trường thế giới. Các DN thép đang chạy đua để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong quy trình sản xuất của mình, đồng thời đầu tư tăng sản lượng để chiếm lợi thế về quy mô sản xuất. Đường đi không dễ Nhà sản xuất thép nào cũng nhìn thấy lợi ích của quy trình đầu tư khép kín, nhưng để bắt tay vào làm, không chỉ có vốn lớn là làm được. Một bài toán tổng thể cần tính toán về vị trí đầu tư, sử dụng công nghệ nào, công suất bao nhiêu, thời điểm đầu tư và nhất là phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những nhà máy phức hợp, khu liên hợp sản xuất lớn phải đặt gần cảng biển để dễ vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Đã có không ít thất bại trong đầu tư. Một DN phía Nam đầu tư xong dây chuyền cán nguội đã không vận hành được vì không có điện, DN nhập khẩu một dây chuyền thời điểm này phải trả giá cho nhà cung cấp bằng giá đối thủ cạnh tranh mua 2 dây chuyền tại thời điểm khủng hoảng 2008 - 2009. Có DN ở phía Bắc phải bán lại 2 nhà máy cho DN cùng ngành. Điển hình nhất là một số dự án sản xuất thép lớn đã được cấp phép, nhưng không thể triển khai. Năm 2010, sản xuất phôi trong nước là 4,3 triệu tấn/năm, phải nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2011 được dự báo là 6 triệu tấn và sẽ tăng 10 - 15% mỗi năm. Theo nhiều nhận định, cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012, sản xuất phôi và thép xây dựng sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước, khi các nhà máy mới của Pomina, Hòa Phát… đi vào hoạt động. Đối với sản phẩm cán nguội, công suất sản xuất trong nước đã gấp đôi nhu cầu sử dụng. Công suất cán nguội sẽ tăng lên với các dây chuyền do Hoa Sen, Đại Thiên Lộc và Thép Nam Kim (NKG)… đang đầu tư. Nguy cơ sản xuất trong nước cung vượt cầu, nhưng DN vẫn tiếp tục đầu tư. Bởi lẽ, DN nào khẩn trương đầu tư, đầu tư thành công, có thương hiệu và phân phối tốt sẽ chiếm được thị phần trước. Cổ phiếu thép, quan điểm đầu tư mới Năm 2008 và 2009, TTCK đã chứng kiến những cơn sóng cổ phiếu ngành thép. Hầu hết DN ngành thép bị thua lỗ do giá thép trên thị trường thế giới giảm mạnh dưới giá thành. Nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi, giá thép tăng cao, cổ phiếu ngành thép tăng mạnh, vì DN nào cũng được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá thấp. Sóng cổ phiếu ngành thép gắn với sóng giá thép trên thị trường thế giới. Lợi nhuận gắn liền với rủi ro cao. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào thời điểm đó, khi phần lớn DN thép mới chỉ đầu tư được một hoặc hai khâu đầu tiên trong quy trình sản xuất khép kín, công suất đầu tư còn thấp nên phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Cho đến nay, nhiều DN đã có bước tiến mới trong quy trình sản xuất khép kín, tăng công suất, đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn, khi giá bán tăng theo giá thế giới. Đồng thời, DN ít bị ảnh hưởng khi giá thép thế giới biến động và tạo ra sản phẩm giá thành cạnh tranh với thép ngoại. Lợi nhuận cao hơn và bền vững, rủi ro thấp. Cạnh tranh trên thị trường thép thực sự là "đại dương đỏ", nơi DN không có lợi thế cạnh tranh về giá thành và chất lượng sẽ bị đào thải. DN lớn tạo ra sản phẩm giá thành thấp nhờ quy trình sản xuất khép kín hoặc hướng đến khép kín, quản trị tốt sẽ phát triển không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra thị trường khu vực trong tương lai. Vì thế, trong nhóm ngành thép có một số cổ phiếu thực sự là cổ phiếu tăng trưởng khi doanh thu, lợi nhuận của DN tăng trưởng bền vững cùng tăng trưởng chung của ngành thép và nền kinh tế. Lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng khi đầu tư vào ngành thép, thay vì lựa chọn cổ phiếu "có sóng", đang được coi là cách thức đầu tư khôn ngoan trong bối cảnh thị trường hiện nay, cũng như trong trung và dài hạn. Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Thép là "bánh mì" của sản xuất công nghiệp nên ngành thép vẫn tăng trưởng ít nhất 8%/năm về sản lượng, bất kể có thắt chặt tín dụng hay không. Trong các năm tới, năng lực sản xuất thép xây dựng trong nước cung sẽ vượt cầu, nhưng theo quan điểm của tôi, đã là thị trường thì phải có cạnh tranh. Vấn đề là DN có khả năng cạnh tranh được hay không. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) Năm ngoái, tình hình thị trường thép trong nước không tốt, nhưng giá thế giới lại tăng; không bán được trong nước, DN có thể xuất khẩu. Năm nay, khó khăn là lãi suất tăng cao, giá dầu đã tăng 40% và tiếp tục tăng, giá điện cũng tăng làm chi phí đầu vào tăng cao. Giá thép thế giới hiện đang ổn định, dự báo ổn định hết quý II. Giá thép thế giới khó tăng, nhưng nếu có giảm thì cũng không giảm nhiều. Đó là nhận định của riêng tôi về giá thép. Kinh tế tăng trưởng khó khăn sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt trong ngành thép. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) Năm 2011, dự báo kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn và bất ổn, tăng trưởng không cao. Kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, đặc biệt là tỷ giá và lạm phát, các vấn đề về tài chính, ngân hàng… sẽ tác động nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, kỳ vọng cho sự phát triển của ngành thép còn rõ nét, với dự báo tăng trưởng từ 9 - 10%, tạo cơ hội kinh doanh cho DN ngành thép.
Nguồn: ĐTCK-online