Trước tình trạng cấp phép dự án thép tràn lan, xé rào quy hoạch, Bộ Công Thương vừa ra quy định tạm thời về các điều kiện đầu tư vào những dự án này.
Đây là lần đầu tiên việc đầu tư mới của ngành thép có tiêu chí khá rõ ràng, đầy đủ, mặc dù chỉ mang tính tạm thời.
Theo công văn số 8017 của Bộ Công Thương vừa gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một dự án đầu tư thép mới khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư phải qua ít nhất 7 điều kiện liên quan đến quy hoạch ngành, công nghệ, thiết bị, nguyên liệu đầu vào, năng lượng, hạ tầng cơ sở và tài chính.
Trong đó, nổi bật nhất là việc đáp ứng nhóm tiêu chí đảm bảo tính bền vững và an toàn môi trường.
Sản xuất thép có 3 loại công nghệ là lò cao, lò điện và lò thổi ôxy. Bộ Công Thương quy định, đối với dự án sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao, nếu nằm ở khu vực không có nguồn quặng sắt tập trung thì dung tích lò cao phải tối thiểu là 500m3.
Nếu dự án nằm ở khu vực có nguồn quặng sắt tập trung thì dung tích lò cao tối thiểu là 700m3. Đối với các dự án sử dụng quặng sắt nhập khẩu, bố trí tại khu vực ven biển, dung tích lò cao phải tối thiểu là 1000m3.
Với các dự án thép sản xuất theo 2 loại công nghệ lò điện và công nghệ lò thổi ôxy, Bộ Công Thương yêu cầu công suất tối thiểu phải là 70 tấn/mẻ.
Các tiêu chí này phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới trong việc sản xuất gang thép để đảm bảo khả năng xử lý ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh, tất cả dự án sử dụng các công nghệ nêu trên đều phải đảm bảo thiết bị đồng bộ, chế tạo mới, có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật ở mức tiên tiến so với khu vực.
Ví dụ như chỉ tiêu về suất tiêu hao năng lượng thấp, các yêu cầu về chất thải, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, các dự án gang thép phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, lâu dài.
Trong đó, các dự án dùng quặng sắt (để luyện gang trong công nghệ lò cao) phải có nguồn quặng ổn định, đủ cung cấp tối thiểu trong 15 năm.
Các dự án dùng nguyên liệu là sắt thép phế (dùng cho công nghệ lò điện), chủ đầu tư cũng cần đảm bảo có nguồn cung cấp trong nước hoặc nhập khẩu.
Ngoài ra, liên quan đến năng lượng, Bộ Công Thương yêu cầu, đối với dự án thép sử dụng công nghệ lò điện, phải có thoả thuận của ngành điện nơi đặt nhà máy luyện thép để đảm bảo đủ nguồn điện cho dự án.
Liên quan đến hạ tầng cơ sở, chủ đầu tư phải có thoả thuận của cơ quan chức năng về địa điểm xây dựng dự án, khả năng đáp ứng về giao thông, cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vị trí đặt bãi thải…
Các chủ đầu tư cũng phải đảm bảo nguồn tài chính để xây dựng theo tiến độ dự án đã cam kết.
Trong bối cảnh cung đã vượt xa về cầu, việc xin phép đầu tư phù hợp với quy hoạch ngành là một điều kiện quan trọng.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu đối với các dự án chưa có trong quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ để xem xét, trình Thủ tướng cho phép bổ sung vào quy hoạch.
Sau khi có ý kiến chấp thuận, chủ đầu tư mới tiến hành lập dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình phê duyệt.
Dự kiến, thời gian áp dụng các tiêu chí trên bắt đầu từ quí IV năm 2009. Về lâu dài, các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ áp dụng cho ngành thép sẽ do Bộ KH&CN ban hành.
Bộ Công Thương đánh giá, tình trạng một số dự án gang thép thiếu tính bền vững, gây mất cân đối giữa thượng nguồn với hạ nguồn, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, rủi ro lớn là có nguyên nhân từ việc việc quản lý và cấp phép đầu tư tại địa phương chưa đảm bảo điều kiện cần thiết về 7 vấn đề trên.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục rà soát tình hình đầu tư của ngành này. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có kiến nghị chính thức về việc xử lý các dự án thép có vi phạm về quy hoạch.
Kết quả rà soát các dự án thép cuối năm 2008 cho thấy, có 32 dự án đã được cấp phép, song nằm ngoài quy hoạch ngành. Trong đó, có 24 dự án đã được các địa phương cấp phép mà chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng và không có ý kiến của Bộ Công Thương.
Trừ các dự án Nhà máy liên hợp, hầu hết những dự án luyện cán thép tại địa phương đều sử dụng thiết bị và công nghệ Trung Quốc, lò cao nhỏ, dễ gây ô nhiêm môi trường, có dung tích phổ biến dưới 250m3. Lò điện hồ quang chỉ có công suất từ 40-70 tấn/mẻ.