"Thà cẩn thận một chút còn hơn là mạo hiểm để rồi mắc phải sai lầm lớn khiến sau này phải hối tiếc", chuyên gia kinh tế danh tiếng Nouriel Roubini mới đây nhắn nhủ giới đầu tư, khi cho biết chiến lược kinh doanh của ông hiện là đầu tư vào tiền mặt.
Trên thực tế, việc đầu tư vào tiền mặt đã được nhiều nhà chiến lược tính đến khi mở rộng danh mục đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều nguy cơ và các thị trường hàng hóa biến động dữ dội như hiện tại.
Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Mỹ ở mức AAA với triển vọng ổn định nhờ vai trò quan trọng của nước này trong hệ thống tài chính toàn cầu, cũng như sự linh hoạt và đa dạng của nền kinh tế.
Fitch cũng cảnh báo có thể hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ xuống mức tiêu cực nếu nợ công tăng mạnh hơn dự báo. Động thái hạ triển vọng (nếu xảy ra) đồng nghĩa với việc hơn 50% khả năng Mỹ sẽ mất mức tín nhiệm cao nhất từ Fitch trong hai năm tới.
Như vậy, cùng với khẳng định duy trì xếp hạng tín nhiệm Mỹ của Moody's hồi cuối tuần trước, giới đầu tư đã thấy đỡ bất an phần nào, sau những biến động dữ dội kể từ khi Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ hôm 5/8.
Tuy nhiên, động thái của Fitch Ratings nhanh chóng bị làm lu mờ bởi kết quả cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức chưa đưa ra được liều thuốc chữa trị dứt điểm căn bệnh khủng hoảng nợ công đã kéo dài dai dẳng suốt thời gian qua.
Kết thúc cuộc họp hôm qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí sẽ đưa ra các đề xuất cho mức thuế đối với các giao dịch tài chính vào tháng 9 tới và thúc đẩy việc quản lý chung chặt chẽ hơn đối với chính sách kinh tế.
Hai lãnh đạo cũng đề xuất rằng, tất cả 17 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cam kết duy trì một nền tài chính cân bằng và đưa mục tiêu này vào trong hiến pháp vào mùa hè 2012.
Ngoài ra, hai lãnh đạo trên còn đã kêu gọi thành lập một cơ quan điều hành chung để giúp khắc phục cuộc khủng hoảng nợ hiện nay trong khu vực. Cơ quan này sẽ do Chủ tịch Liên minh châu Âu đương nhiệm Herman Van Rompuy đứng đầu.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều người, các nhà lãnh đạo hai nước Pháp và Đức khẳng định hiện còn quá sớm để phát hành trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu để thay cho trái phiếu của từng nước trong khu vực. Hai bên cũng không nhắc tới mở rộng quỹ cứu trợ khu vực đồng Euro.
Trong khi đó, các tổ chức bao gồm Ủy ban châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vài ngày nay liên tục đưa ra những cảnh báo mới về nguy cơ tái diễn một cuộc suy thoái toàn cầu, cản trở đà phục hồi vốn dĩ đã mong manh của nền kinh tế thế giới kể từ sau khủng hoảng 2008.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso cho rằng, Liên minh châu Âu không còn đủ sức khống chế khủng hoảng nợ công. Thậm chí, ông còn cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ tiếp tục nhấn chìm các nền kinh tế lớn tại châu lục này và đẩy thế giới vào một thời kỳ suy thoái mới.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 15/8, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các nước không cắt giảm chi tiêu. Theo bà, đối với các nền kinh tế tiên tiến, cần thiết khôi phục tình trạng ổn định về tài chính. Việc cắt giảm chi tiêu quá nhanh sẽ phá hỏng sự phục hồi và làm tỷ lệ thất nghiệp xấu thêm.
Trước đó một ngày, hôm 14/8, khi trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng lên tiếng cảnh báo những khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu đang đẩy thế giới đến bờ vực nguy hiểm mới.
Theo ông Zoellick, nguyên nhân khiến lãnh đạo thế giới mất lòng tin vào tình hình kinh tế là do sự tụt dốc trên thị trường chứng khoán hiện nay và nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ nhanh chóng tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới.
Ông cho rằng, việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã mua một lượng trái phiếu chính phủ của Italy và Tây Ban Nha hồi tuần trước chỉ là giải pháp ngắn hạn và nó sẽ không giải quyết được căn nguyên của tình trạng nợ công leo thang.
Chủ tịch WB cũng bày tỏ quan ngại về khả năng nhiều nước sẽ tăng cường bảo hộ công nghiệp, tạo ra một thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn xu hướng tăng cường bảo hộ công nghiệp là mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, ông thừa nhận khái niệm "mở cửa và tự do thương mại" không thể phát huy hiệu quả tại Mỹ trong bối cảnh hiện nay, khi các cuộc thảo luận chính trị về hiệp định thương mại tự do đang đi vào ngõ cụt.
Cùng với những cảnh báo của giới phân tích, những số liệu cho thấy kinh tế châu Âu chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 2/2011, sau khi tăng 0,8% trong quý 1, hay kinh tế Đức nhích nhẹ 0,1% trong quý 2, dưới xa mức 1,3% trong quý 1, cũng là những thông tin tác động trực tiếp tới bức tranh kinh tế toàn cảnh.
Những kết quả cùng đánh giá đáng thất vọng này là nguyên nhân chính khiến các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ sụt giảm điểm, thị trường dầu mỏ xuống giá và đẩy giá vàng lập mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch đêm qua.
Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 76,97 điểm, tương ứng 0,67%, xuống 11.405,93 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 11,73 điểm, tương ứng 0,97%, xuống 1.192,76 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 31,75 điểm, tương ứng 1,24%, xuống 2.523,45 điểm.
Ở châu Âu, các sàn chứng khoán châu Âu diễn biến trái chiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh nhích nhẹ 0,13% lên 5.357,63 điểm. Trong khi, chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0,25% xuống 3.230,90 điểm và DAX của Đức giảm 0,45% xuống còn 5.994,60 điểm.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 9 hạ 1,23 USD, tương ứng 1,4%, xuống 86,65 USD/thùng. Phiên liền trước, giá dầu thô quốc tế loại này đã tăng trở lại 2,5 USD, mức đóng cửa cao nhất kể từ hôm 3/8.
Trong khi đó, giá vàng tương lai tăng vọt 27 USD/oz và xác lập kỷ lục mới. Cụ thể, vàng giao tháng 12 trên tăng 27 USD/oz, tương ứng 1,5%, lên mức cao kỷ lục 1.785 USD/oz. Mức đóng cửa kỷ lục trước đó của giá vàng là 1.784,30 USD/oz xác lập vào ngày 10/8.
Mở phiên, giá vàng giao dịch ở mức thấp, khi các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp bàn về cuộc khủng hoảng nợ khu vực. Tuy nhiên, giá vàng nhanh chóng tăng vọt trở lại lên các mức cao. Giá vàng cao nhất trong ngày là 1.789,80 USD/oz, thấp hơn mức cao kỷ lục 1.801 USD/oz đạt được hôm 10/8.
Như vậy, sau những bình ổn tương đối trên thị trường từ giữa tuần qua, nhờ những biện pháp và tuyên bố quyết liệt của giới hoạch định chính sách các quốc gia trên thế giới, các thị trường hàng hóa lại bắt đầu có chiều hướng trở xấu.
Và theo đó, việc trữ tiền mặt như khẳng định của ông Roubini càng có cơ sở vững chắc hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc chọn lựa loại tiền mặt nào để tích trữ cũng lại là một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư thế giới.
Chuyên gia kinh tế Alex Frangos của tờ Wall Street Journal cho rằng, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn, trong bối cảnh lòng tin vào đồng USD và đồng tiền chung châu Âu bị suy giảm mạnh.
Theo Frangos, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi châu Á đã giành được "sự kính trọng" của thế giới do đã đứng vững bất chấp rối loạn mới đây trên thị trường tiền tệ thế giới.
Đồng bath Thái Lan, ringgit Malaysia, rupiah Indonesia không những không giảm giá so với đồng USD khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh, mà vẫn vững giá, thậm chí đồng đôla Singapore với hệ số tín dụng vàng AAA lại tăng giá 1% so với đồng USD từ đầu tháng Tám.
Nhà chiến lược tiền tệ của Ngân hàng America-Merrill Lynch ở Hồong Kong, Adarsh Sinha, cũng đồng tình với quan điểm của Frangos, khi cho biết thế giới đã bắt đầu nói đến nơi trú ẩn an toàn tiền tệ là các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Đức, trong bảy tháng đầu năm 2011, tổng số tiền mua nợ nước ngoài bằng năm đồng tiền châu Á đã lên tới 53 tỷ USD, so với mức 66 tỷ USD cả năm 2010.
Các nhà kinh tế thế giới lưu ý dấu hiệu cho thấy niềm tin các nhà đầu tư vào các đồng tiền châu Á đang tăng lên, qua việc các nhà đầu tư vẫn tăng đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi châu Á thông qua tăng mua trái phiếu của các nền kinh tế này tuần trước, ngay cả khi thị trường chứng khoán thế giới suy giảm.
Trong khi đó, tại báo cáo triển vọng về thị trường tiền tệ mới đây, ngân hàng HSBC lại khuyên các nhà đầu tư nên mua Yên Nhật. Lý do thứ nhất là, một trong những nguyên nhân chính gây ra lo ngại về thảm họa kinh tế toàn cầu xuất phát từ nguy cơ vỡ nợ của châu Âu.
Điều này sẽ khiến nền kinh tế và thị trường tài chính Thụy Sĩ sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn Nhật Bản. Trong bối cảnh, đồng France Thụy Sỹ vốn được coi là đồng tiền an toàn của giới đầu tư tiền tệ, thì tác động mới sẽ buộc nhà đầu tư chuyển hướng sang Yên Nhật, đặc biệt là khi kinh tế Nhật bắt đầu phục hồi.
Lý do thứ hai là nền kinh tế Nhật sẽ phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần. Hiện sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã phục hồi nên thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ diễn biến tích cực hơn. Đây là tiền đề quan trọng để Yên lên giá.
Các nguyên nhân khác bao gồm dòng vốn đầu tư đang chảy vào Nhật, nỗi lo sợ về giảm phát đang dần qua đi và những kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường Nhật Bản. Theo dự báo của HSBC, trong quý 3, Yên Nhật sẽ lên 76 Yên/USD và sẽ lên 72 Yên/USD trong thời gian từ quý 4/2011 - quý 2/2012.
Nguồn tin: Vneconomy