Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng ngành thép đã có hai dự án lớn với tổng vốn đăng ký lên đến 17,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần một phần ba tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài. “Làn sóng” đầu tư vào ngành thép vẫn chưa dừng lại. Hiện vẫn còn hai dự án khổng lồ khác của tập đoàn Posco (Hàn Quốc) và Tata (Ấn Độ) đang chờ được cấp giấy phép.
Trong khi Bộ Công Thương coi sự xuất hiện của hàng loạt dự án thép lớn là cơ hội tốt, thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lại xem nó là mối đe dọa.
Thị trường thép Việt Nam còn khá nhỏ. Năm 2007 cả nước tiêu thụ gần 8,7 triệu tấn thép các loại, trong đó thép xây dựng dạng thanh là 4,21 triệu tấn và phần còn lại là thép tấm. Hiện tại, năng lực sản xuất thép thanh đã vượt 50% so với nhu cầu, còn năng lực thép tấm trong nước mới vào khoảng 600.000 tấn.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa khoảng trống cung - cầu này cũng sẽ được lấp đầy khi các nhà máy sản xuất thép tấm của Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Thép Việt, tập đoàn Tôn Hoa Sen, tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Posco bắt đầu hoạt động.
Tuy mức tiêu thụ hiện còn ít, nhưng theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, thị trường thép Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển. Ông nói: “Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều nhìn thấy triển vọng này, từ đó bắt đầu một cuộc chạy đua đầu tư”.
Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2020 nhu cầu thép của Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Con số này tuy khá lớn, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với năng lực sản xuất vào thời điểm đó.
Nếu tất cả các dự án của doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và chuẩn bị được cấp giấy phép thực hiện đúng tiến độ đầu tư đã cam kết, thì đến năm 2020 ngành thép Việt Nam sẽ có sản lượng không dưới 40 triệu tấn.
Tiềm năng của thị trường trong nước rõ ràng là còn khá lớn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để Việt Nam thu hút được dự án thép lớn của nước ngoài. Vị trí địa lý gần như là trung tâm của khu vực Đông và Nam châu Á, bờ biển dài và có nhiều khu vực thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu để tiếp nhận tàu trọng tải lớn, lại có nguồn than anthraxit khá lớn, Việt Nam là địa điểm tốt để xây dựng các cơ sở sản xuất thép lớn cung cấp cho cả khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đều được cảnh báo về thị trường quá nhỏ bé của Việt Nam, nhưng họ xác định thị trường chủ yếu của mình là khu vực và thế giới.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc nước ngoài đầu tư lớn vào ngành thép có nhiều ưu điểm, như: hầu hết là dự án 100% vốn nước ngoài; thu hút nhiều lao động và sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách qua thuế; phần lớn các dự án đầu tư ở miền Trung, là khu vực còn nhiều khó khăn…
Nhưng nhiều doanh nghiệp thép trong nước lại cho rằng, chính các dự án chủ yếu do nước ngoài đầu tư 100% vốn lại là điều không có lợi, vì ngoài khoản thuế mà thu được nhiều hay ít vẫn còn là ẩn số, Việt Nam sẽ chẳng còn gặt hái được gì đáng kể. Một số nhà doanh nghiệp đề nghị, Việt Nam nên làm theo cách của Trung Quốc là giới hạn tỷ lệ góp vốn của nước ngoài trong các dự án thép, nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước.
Dù sao, sự xuất hiện của các dự án luyện cán thép lớn cũng là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là những cơ sở nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự xuất hiện của các tổ hợp sản xuất thép này đặt ra nhiều vấn đề đáng lo, nhất là về môi trường.
Với quy mô sản xuất hàng chục triệu tấn thành phẩm, mỗi năm các tổ hợp này cũng sẽ thải ra hàng chục triệu tấn xỉ than và xỉ quặng cùng với một lượng lớn khói bụi vào không khí. Xử lý những chất thải này như thế nào là việc không thể không tính đến ngay từ bây giờ. Lẽ đương nhiên, khi nộp hồ sơ xin cấp phép, nhà đầu tư nào cũng đưa ra phương án giải quyết, nhưng điều đó không có nghĩa ta có thể yên tâm. Bài học của Hyundai - Vinashin và Vedan là ví dụ.
Các tổ hợp luyện cán thép này sẽ tiêu thụ nguồn năng lượng điện, than khổng lồ. Mặc dù một số dự án có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy điện riêng để tự đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng nó cũng khiến cho mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Việt Nam ngày càng lớn.
Mỗi dự án đều chiếm diện tích đất và mặt nước rất lớn, chẳng hạn khu liên hợp luyện cán thép của Formosa ở Hà Tĩnh sử dụng trên 3.000 héc ta đất và mặt nước. Lợi ích mà các dự án này mang lại cho nền kinh tế Việt Nam có tương xứng với cái giá về môi trường, đất đai và nguồn năng lượng bị tiêu tốn hay không? Đó là câu hỏi cần được giải đáp sớm.