- Công bố mới đây từ Hiệp hội Thép VN (VSA) thật đáng báo động: Sau 2 năm thực hiện "Quy hoạch Thép", đến nay có tới 32 dự án nằm ngoài quy hoạch với tổng công suất thiết kế hơn 60 triệu tấn/năm được cấp chứng nhận đầu tư.
Trong đó có 24 dự án quy mô vừa và nhỏ chưa phù hợp Luật Xây dựng, kể cả một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA thẳng thắn cho rằng, thực tế quá nhiều dự án thép ngoài quy hoạch và nhiều dự án liên hợp thép quy mô công suất lớn đang dẫn tới cung vượt xa cầu cùng nhiều bất lợi khác cho nền kinh tế, mà nguyên nhân quan trọng nằm ở vai trò quản lý nhà nước...
- Ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư sản xuất thép gần đây?
Ông Phạm Chí Cường: Sau khi VN gia nhập WTO, rất nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai, trong đó nhiều dự án liên hợp thép lớn đã "bùng nổ" đăng ký đầu tư vào VN. Đến thời điểm này 3 dự án lớn đã được cấp phép, đang thi công, gồm Tycoons-E.United tại Dung Quất công suất 5 triệu tấn/năm; Formosa-Sunco ở Hà Tĩnh 15 triệu tấn/năm và dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) 14,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, 2 dự án liên hợp thép đang "xếp hàng" là liên doanh giữa Truwa (Ấn Độ) với TCty Thép và TCty Xi măng, dự kiến tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) công suất 5 triệu tấn/năm; dự án của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) với Vinashin định đặt tại Khánh Hòa, giai đoạn I công suất 4 triệu tấn/năm.
Theo quy hoạch, VN chỉ cần 1-2 nhà máy liên hợp, đến năm 2020 mới cần trên 20 triệu tấn thì cộng với số đầu tư trong nước đang có, số này cũng đến hơn chục triệu tấn. Khi những dự án hiện nay đi vào hoạt động, chúng ta có đến 40-50 triệu tấn/năm, vượt xa khả năng tiêu thụ trong nước. Như vậy đã tính hết bài toán thị trường chưa, khi mọi loại thép đều gấp đôi nhu cầu trong nước?
Thực tế nhiều địa phương đề nghị lên trung ương rằng, tỉnh họ nghèo lắm, "xin cho khai thác mỏ này mỏ kia vì đó là mỏ nhỏ thôi, chứ nếu cứ trông vào mấy cây chè, cây vầu… thì khổ mãi". Nhưng có dừng ở đó đâu, mà họ phá môi trường, rồi tranh giành nhau, dẫn tới tiêu cực bởi cơ quan quản lý cấp cho tư nhân này mà không cấp cho tư nhân khác, cuối cùng loạn ghê lắm.
- Ông nói đến chuyện ồ ạt dự án FDI, nhưng ta đang thiếu vốn thì còn cách nào khác?
Ông Phạm Chí Cường: Nếu thiếu vốn thì Nhà nước phải hỗ trợ để người ta vay vốn, đóng góp một tỷ lệ nào đó, có thể tỷ lệ thấp rồi qua hoạt động người ta có thể tăng dần lên chứ không thể nước ngoài góp vốn 100%. Như ở Trung Quốc, chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài làm dự án thép nếu có công nghệ mới, chiếm 30% thôi, và không được đầu tư vào liên hợp.
Mình cứ tự hào FDI tăng, nhưng nhiều khi chỉ là cộng đơn thuần về con số chứ không xét bản chất thực thi các dự án. Không ít dự án đầu tư FDI "xí" địa điểm tốt, được cấp phép đã không triển khai, thậm chí rao bán quốc tế. Riêng lĩnh vực thép có 2 dự án 100% vốn nước ngoài được cấp phép khá lâu nhưng vẫn chưa triển khai, trong đó dự án thép không gỉ vừa bị thu hồi giấy phép vì tuy có vốn đầu tư cả tỷ USD nhưng thậm chí đơn vị này hiện không đủ tài chính để trả luận chứng kinh tế. Còn dự án của Tycoon tại Dung Quất sau 2 lần thay đổi đối tác và tuy đã làm lễ động thổ, song vẫn còn nguy cơ thay đổi.
- Xảy ra bội thực dự án thép, chúng ta quay lại đổ lỗi cho địa phương?
Ông Phạm Chí Cường: Thực ra cơ quan quản lý cần có trách nhiệm, trong đó Bộ Công thương phải giúp Nhà nước quản chuyện ấy chứ. Địa phương ra quy định dự án dưới 1.500 tỷ không phải xin phép, lập tức người lập dự án sẽ làm 1.499 tỷ để được chấp nhận sau đó tăng lên thì ai biết mà cấm. Nhiều địa phương lại có tình trạng "khát" dự án, muốn chuyển đổi thành cơ cấu công nghiệp nhưng không phải ở đâu cũng làm được. Điều này cần quy hoạch vùng, có vai trò tổng chỉ huy của nhà nước.
- Vậy ông cho rằng Nhà nước cần quản lý đầu tư ngành thép như thế nào?
Ông Phạm Chí Cường: Theo tôi, những dự án quy mô tới 5-7 triệu tấn/năm cần được theo dõi sát sao xem khả năng thực thi đến đâu. Nhà đầu tư nào cũng đặt ra 3-4 giai đoạn, nhưng người ta chỉ thực hiện giai đoạn đầu, sau đó để chiếm đất, nhà quản lý thì không theo dõi nên các dự án bị kéo dài. Trong khi mỗi dự án liên hợp thép chiếm 1.000 - 3.000 ha đất, người nông dân mất việc làm.
Những dự án xét thấy cơ sở vật chất, tài nguyên hay thị trường không đảm bảo thì Nhà nước nên cho ngừng. Tôi cũng không đồng ý với chủ trương của Bộ Công thương "với những địa phương khó khăn có thể tiếp tục cho triển khai các dự án thép để tận dụng tài nguyên thiên nhiên", tưởng là cứu giúp nhưng thực ra làm nghèo thêm họ, làm khổ người dân. Cần cân nhắc thận trọng xem địa phương nào đủ điều kiện mới cho đặt trung tâm luyện kim, xem có thị trường hay không, nếu xa quá sẽ đội phí vận chuyển lên rất nhiều. Bên cạnh đó cần sớm ban hành quy chuẩn về công nghệ, thiết bị, cơ sở hạ tầng, tài chính và nhất là môi trường, chứ không thể cho đầu tư sản xuất thép tràn lan.