Theo ông Bùi Kiến Thành doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng lãnh đạo chỉ bị xử lý cảnh cáo là quá nhẹ.
Số dự án, nhà máy thua lỗ thuộc Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở con số 5 mà đã tăng lên 12 buộc Chính phủ phải thể hiện thái độ kiên quyết trong việc xử lý, khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong vấn đề xử lý sai phạm nếu chỉ dừng mức cảnh cáo đối với lãnh đạo như hiện nay không có sức răn đe.
Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Tuổi trẻ
Chạy dự án rồi nâng giá
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Các nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động yếu kém của ngành Công Thương liên tiếp được phát hiện thời gian qua xuất phát từ quyết định đầu tư”.
Phân tích vấn đề ông Bùi Kiến Thành cho biết, các dự án của doanh nghiệp nhà nước khi đưa ra thường có suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế qua các con số trong báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi rất hấp dẫn.
“Chính nhờ con số trong báo cáo khả thi được đưa ra hấp dẫn nên nhiều dự án doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt và cho đầu tư. Tuy nhiên khi đi vào thực hiện người ta tìm cách này cách khác để nâng mức đầu tư dự án”, ông Bùi Kiến Thành cho biết.
Ông Thành nhấn mạnh với dự án của doanh nghiệp nhà nước có mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là A nhưng khi vào thực hiện lại là A+, cái A+ người ta thường đổ cho thị trường, do khách quan nhưng thực tế nếu dự án khi đưa ra đều tính toán tất cả các yếu tố thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, doanh nghiệp thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả gây thất thoát hàng
nghìn tỷ đồng nhưng lãnh đạo chỉ bị xử lý cảnh cáo là quá nhẹ (ảnh H.Lực).
“Một dự án bị ảnh hưởng bởi khách quan thị trường chỉ có thể xảy ra khi triển khai quá chậm trễ, ví dụ được phê duyệt năm nay nhưng nhiều năm sau anh với triển khai còn vừa phê duyệt xong bắt đầu đi vào làm không thể đổ cho khách quan thị trường” , ông Thành phân tích.
Từ đó theo ông Thành dự án của doanh nghiệp nhà nước thường bị nâng mức đầu tư so với ban đầu ở khâu mua sắm thiết bị, lựa chọn nhà thầu.
“Lỗ hổng lớn nhất trong vấn đề quản lý dự án của doanh nghiệp nhà nước là mua sắm thiết bị, lựa chọn nhà thầu không được công khai minh bạch. Do lỗ hổng này dẫn đến sự cố như mua tàu Hoa Sen của Vinalines”, ông Thành nêu ví dụ.
Đặc biệt, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nguyên nhân chính thua lỗ của nhiều dự án ngành Công Thương do quản lý, điều hành của bộ máy lãnh đạo. Trong đó vấn đề nhân sự, bổ nhiệm cán bộ còn có tiêu cực, lựa chọn cán bộ chưa tìm được người tài, còn tình trạng “con ông – cháu cha”, lựa chọn theo cảm tính không dựa vào năng lực thực tế.
Xử lý cảnh cáo không có sự răn đe
Hàng loạt nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của ngành Công Thương được phát hiện, công khai thời gian qua theo ông Bùi Kiến Thành là bước tiến của Chính phủ, thể hiện sự minh bạch nhìn thẳng sự thật.
“Khi đã chỉ mặt từng dự án bước tiếp theo người dân mong đợi cách xử lý từ Chính phủ, xử lý làm sao vừa đảm bảo an toàn vốn nhà nước, giảm thiệt hại do doanh nghiệp gây ra mới là vấn đề”, ông Thành cho biết.
Trong việc quyết định giữ hay cho phá sản các dự án, nhà máy hoạt động thua lỗ, yếu kém theo chuyên gi kinh tế Bùi Kiến Thành cần có nghiên cứu thị trường.
“Ví dụ dự án nhà máy sản xuất phân đạm phải xem giá sản phẩm khi sản xuất và bán ra thị trường có đủ để cạnh tranh hay không, giá thành ra sao. Dựa trên nghiên cứu thị trường so giá thành vận hành sản xuất với giá bán để quyết định dự án có tiếp tục đầu tư hay cho phá sản”, ông Thành nói.
Dù quyết định tiếp tục đầu tư hay cho phá sản theo ông Thành cần phải xử lý cán bộ quản lý dẫn đến thua lỗ yếu kém. Nhấn mạnh hình thức xử lý theo ông Thành không đâu như chúng ta khi cán bộ quản lý để xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ bị xử lý cảnh cáo.
Ông Bùi Kiến Thành cho biết, nếu quản lý để thua lỗ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng nhưng khi đưa ra quyết định xử lý cán bộ bộ chỉ là kỷ luật, cảnh cáo là không có tính răn đe.
“Anh làm thua lỗ nhà nước bao nhiêu tiền phải đền bù sau đó mới tính đến nguyên nhân và ra quyết định xử lý. Còn cách làm hiện nay nhà nước vừa không thu về số tiền thất thoát trong khi cán bộ quản lý dẫn đến dự án thua lỗ, yếu kém chỉ bị xử lý cảnh cáo là không có sức răn đe”, ông Thành nói.
Theo ông Thành cần xử lý hình với cá nhân gây nên dự án thua lỗ yếu kém, yêu cầu đền bù thiệt hại, trả tài sản gây thất thoát cho nhà nước. Dựa trên khắc phục hậu quả để đưa ra quyết định xử lý hình sự hay không.
Ông Thành nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước bằng cách yêu cầu cá nhân gây nên thất thoát phải bỏ tiền túi hoàn trả nhà nước. Không thể để tình trạng xử lý trách nhiệm cá nhân theo hình thức kỷ luật cảnh cáo như hiện nay.
Nguồn tin: Giáo dục việt nam