Theo thống kê của ngành thép, lượng thép tiêu thụ năm 2009 của Việt Nam vào khoảng 10 triệu tấn, trong đó hơn 80% thị phần do các doanh nghiệp sản xuất trong nước cung cấp.
Đây được xem là tín hiệu lạc quan, và được xem là động lực cho ngành thép khi nền kinh tế đang có bước phát triển mới sau khủng hoảng. Tuy nhiên để thép nội giữ vững được thị trường trong nước, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm cần thiết của doanh nghiệp, là từng bước đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, nhằm tạo ra các thành phẩm thép có giá thành cải thiện hơn, từ đó hướng đến mở rộng xuất khẩu sang các nước lân cận.
Do tác động của việc gia nhập WTO, mở rộng AFTA, thời gian qua, ngành thép Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm thép nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với thách thức từ lượng thép được nhập vào Việt Nam, với giá thành thấp hơn sản xuất trong nước vào khoảng 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tấn, tương đương với 10-20%.
Cải tiến công nghệ: Chìa khóa để thành công
Các chuyên gia nhận định, mô hình công nghệ luyện Consteel được coi là một trong những mô hình phù hợp nhất với điều kiện và yêu cầu phát triển của ngành thép Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Nếu các doanh nghiệp ứng dụng tốt công nghệ tiết kiệm năng lượng này, sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí đầu vào, hạ giá thành, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh hội nhập so với các nước trong khối Asean.
Trao đổi với InfoTV, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch hiệp hội thép Việt Nam, cho rằng “hệ thống công nghệ Consteel có chức năng nạp liên tục, nên đây là hệ thống công nghệ luyện thép tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, nhưng ở Việt Nam mới chỉ vài nhà máy áp dụng công nghệ này. Việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ giúp chất lượng sản phẩm tăng cạnh tranh, giá thành thép sẽ giảm đi, nhưng nếu giảm được 20% năng lực có thể thì tôi tin chắc rằng ngành thép mới có khả năng cạnh tranh được thép ngoại không rõ nguồn gốc có thị phần từ trong nước,cũng như hội nhập sâu vào thị trường thế giới”
Ông Chu Quang Vũ, Giám đốc Sản xuất CTCP Thép Pomina, cho rằng, công nghệ luyện Consteel Techint cho phép sử dụng nhiệt thoát ra để sấy phế liệu trước khi đưa vào lò luyện, nên có thể giảm chi phí về điện năng 30%, giảm chi phí sản xuất hơn 10 USD/tấn, còn công nghệ Siemens_Vai phần nào giúp cho quá trình sản xuất thép phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm tối đa chi phí gia nhiệt đến 30% trong quá trình cán thép thành phẩm …từ đó cải thiện được phần nào giá thành sản phẩm.
Tháng 11/2009 vừa qua, Nhà máy sản xuất thép Pomina đã đưa vào hoạt động mô hình luyện thép theo công nghệ Consteel và cán thép Siemens-vai. Ông Vũ cho biết, công nghệ tiết kiệm năng lượng mới này đã giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định về giá thành sản phẩm, nên chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm trong nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Lào với mức sản lượng tiêu thụ là 8% cho năm 2009. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư khá cao, từ 300 triệu USD cho một lò luyện thép công suất 500.000 tấn/ năm, được xem là vượt ngoài khả năng tài chính của phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam.
Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ đáp ứng được yêu cầu không hề đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có được sự đầu tư lớn. Theo ông Đào Đình Đông, Trưởng phòng Thị trường - Tổng công ty thép Việt Nam, đặc thù của ngành thép là vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng khá lớn, đặc biệt là công nghệ, nếu đầu tư sản xuất nhỏ thì chất lượng không đảm bảo mà còn tác hại nghiêm trọng đối với môi trường cũng như gây ảnh hưởng đến uy tính thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam.
“Chúng ta còn thiếu một khuôn khổ pháp lý, nhằm khuyến khích thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng, luật sử dụng tiết kiệm năng lượng đã được trình quốc hội, nên nếu được thông qua sẽ thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp.” – ông Vũ cho biết thêm.
Ông Phạm Chí Cường cho rằng, doanh nghiệp khi đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng mà thiếu vốn thì rất khó khăn trong khi vay ngân hàng cũng không dễ. Vì vậy họ phải tính toán đến lãi suất và không phải doanh nghiệp nào cũng mạnh bạo làm chuyện đó, mà phải có năng lực.
Như vậy, giả sử các doanh nghiệp sản xuất thép vừa và nhỏ tập hợp lại, không đầu tư phân tán, thiếu tập trung như trước đây, thì nguồn vốn không còn là vấn đề nan giải ở các nghiệp khi quyết định đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Mặt khác, năm 2010 ngành thép cũng sẽ phải đương đầu với một số khó khăn mới như: giá nguyên liệu quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế liệu, điện năng và một số loại nguyên liệu khác cao hơn giá năm 2009; sẽ có một số sản phẩm thép theo lộ trình qui định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, nên tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn.
Chính vì thế, việc các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ sạch, ngay từ bây giờ, được các chuyên gia cho rằng là việc làm cần thiết, nhằm giữ vững thị phần trong nước, hướng đến quá trình hội nhập, đồng thời đáp ứng được yếu tố bảo vệ môi trường, khi ngành sản xuất thép được coi là lĩnh vực tiêu hao nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trong các ngành sản xuất công nghiệp hiện nay.
(Info TV)