Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa

Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) trong hơn 45 năm qua có lúc thăng, lúc trầm nhưng luôn giữ được vai trò là đơn vị đầu ngành về khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa. Năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, NARIME đã và đang tham gia các chương trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH nước nhà.
Tiến sĩ Phan Thạch Hổ, Phó Viện trưởng, Bí thư Ðảng ủy và Trưởng phòng kinh tế - khoa học công nghệ Nguyễn Ðức Thịnh chưa hết cảm giác chua xót khi gợi lại cách đây khoảng mười năm về trước. Ðó là thời kỳ giữa những năm 80 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các nhà máy, xí nghiệp cơ khí lớn nhỏ trong cả nước lâm vào tình trạng đình đốn, không ít nơi "xẻ đàn, tan nghé"; hoạt động của NARIME thời gian này không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn.

Tuy nhiên, sớm nhận ra các hạn chế yếu kém cả khách quan và chủ quan, đồng thời có biện pháp sửa chữa uốn nắn kịp thời cho nên NARIME luôn giữ được vai trò là viện đầu ngành về lĩnh vực cơ khí, tự động hóa.

Cuối năm 1980, NARIME, một trong những số ít đơn vị nghiên cứu khoa học mạnh dạn thực hiện việc khoán công việc tới từng phòng, ban, nhóm nghiên cứu, tạo tính chủ động, sáng tạo cho cán bộ, nhân viên trong lựa chọn đề tài gắn với thực tế và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Bởi vậy sản phẩm của phần lớn các nhà máy cơ khí thời kỳ này (điện cơ Thống Nhất, Nhà máy Bơm Hải Dương, Cơ khí chính xác, các dây chuyền thiết bị gạch nung, dây chuyền mía đường, các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành xây dựng, giao thông vận tải...) đều do NARIME thiết kế, chế tạo và lắp đặt.

Nắm bắt được xu thế phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có ý thức  đầu tư nâng cấp trang thiết bị phòng thí nghiệm hiện đại, thành lập trung tâm tự động hóa thiết kế, mặt khác quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ tay nghề... đã giúp cán bộ, nhân viên NARIME đảm nhận nhiều đề tài, dự án lớn, phục vụ thiết thực hơn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Những hạn chế phải khắc phục như thiếu cán bộ chủ chốt, đủ năng lực để tổ chức triển khai và thực hiện các đề tài, dự án, quy mô, việc hợp tác liên kết giữa các đơn vị và nhóm nghiên cứu trong viện chưa chặt chẽ nên chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế về trang thiết bị hay một số đơn vị chuyên môn còn lúng túng trong định hướng các sản phẩm truyền thống, gây sự chồng chéo trong công việc giữa các bộ phận... song hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của NARIME cơ bản xuất phát từ yêu cầu của thị trường, bám sát các chương trình kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Sáng, Viện trưởng NARIME, những năm gần đây, khoảng 60% số đề tài nghiên cứu của viện được đề xuất, phát triển và hoàn thiện thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế máy móc, hoặc thiết bị cho khách hàng. Nhờ hợp tác liên doanh, liên kết các tập đoàn nổi tiếng nước ngoài như Simen, HoneyWell, Haverbocker, NARIME từng bước làm chủ công nghệ điều khiển tự động hóa. Ðến nay, viện đã tích hợp và cung cấp được các hệ thống tự động điều khiển cho các nhà máy thủy điện, nhà máy xi-măng lò quay, nhà máy giấy.

Trong đó phải kể đến việc NARIME tư vấn thiết kế và cung cấp trang thiết bị cho một loạt nhà máy thủy điện Plây Krông, A Vương, Sê San, Ðồng Nai 3, Ðồng Nai 4, Bản Chát và hiện nay viện đang tham gia thiết kế chế tạo thiết bị cho Nhà máy thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW. Tư vấn và cung cấp thiết bị phối liệu tự động, đóng bao bì tự động, hệ thống vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm (băng tải, gầu tải, máy khí động) hệ thống lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi nhằm hạn chế  ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động trong các nhà máy xi-măng lò quay Hạ Long, Bỉm Sơn và Bút Sơn 2 mở rộng.

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ khoa học của NARIME cũng đã tập trung nghiên cứu thiết kế và chế tạo các thiết bị thay thế cho Nhà máy A-pa-tít Lào Cai, thiết bị phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản, dây chuyền sản xuất phân bón NPK từ một đến bốn vạn tấn/năm theo công thức mới, tạo viên bằng hơi nước bão hòa... Nhờ được Nhà nước đầu tư và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ hàn và xử lý bề mặt (trị giá hơn 40 tỷ đồng), NARIME đã làm chủ các công nghệ hàn đặc biệt như hàn dưới lớp thuốc, tạo bề mặt hàn có độ bền cao dưới tác động của môi trường khắc nghiệt.

Các phương pháp hàn siêu âm, hàn la-de, hàn pla-sma, hàn chùm tia lửa điện cũng được viện ứng dụng, khai thác phục vụ cho từng ngành công nghiệp. Cùng với công nghệ hàn là việc xử lý bề mặt thiết bị, các cán bộ kỹ thuật viên của NARIME đã thực hiện công nghệ phun phủ pla-sma, phun dưới áp suất và vận tốc cao HVOF nhằm bảo đảm độ bền cho các thiết bị, đường ống làm việc trong môi trường ăn mòn lớn (nước biển, hóa chất, các dây chuyền chế biến khoáng sản). Sớm thực hiện cơ chế tự trang trải trong công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, cho nên việc thực hiện Nghị định số 115 của Chính phủ ngày 5-9-2005 đối với NARIME không có gì khó khăn, lúng túng.

Ðề cập hướng phát triển sắp tới của đơn vị, Viện trưởng Nguyễn Chí Sáng cho biết: NARIME đang phấn đấu một, hai năm tới trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ hàng đầu trong nước, và có uy tín trên thị trường quốc tế (mô hình công ty mẹ, công ty con) trong các lĩnh vực thiết kế, chế tạo cơ khí, tự động hóa và tích hợp đồng bộ các dây chuyền sản xuất công nghiệp, nhất là phục vụ cho các chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia; tiến tới trở thành nhà tổng thầu EPCM (tư vấn thiết kế, mua sắm, lắp đặt và quản lý dự án) trong nước.

Muốn vậy, không có cách nào khác là đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây phải tự nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, quản lý dự án trong các lĩnh vực công nghiệp xi-măng, thủy điện, nhiệt điện khai thác và chế biến khoáng  sản với phương thức liên doanh, hợp tác nhận chuyển giao công nghệ của các nhà cung cấp có tiếng trên thế giới.

Ðồng thời, viện đang có kế hoạch hợp tác liên kết một số tổng công ty trong nước như LILAMA thực hiện chương trình nội địa hóa thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện. Mục tiêu là năm năm tới có thể chế tạo, sản xuất được 70% khối lượng và đạt 50% giá trị thiết bị có chất lượng cho các nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, Vũng Áng... nhằm đạt mức doanh thu 40 triệu USD vào năm 2010.
Nhân Dân

ĐỌC THÊM