Dù mới được các cơ quan thông tin đại chúng đưa ra trong những ngày đầu tháng 3, song đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh thuế thu nhập các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Mặc dù mục đích chính của kiến nghị này theo Chủ tịch HoREA là để chuyển dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ, nhất là trong bối cảnh hiện nay để giúp nền kinh tế Việt Nam đang sa sút được phục hồi, nhưng không khỏi gây nhiều tranh cãi và bức xúc.
Việc đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Linh Sâm |
Chị Trần Bích Vân ở quận Long Biên không giấu nổi sự bất bình: "Lúc đầu tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, hóa ra đọc báo mới biết có đề xuất ấy thật. Với những người không làm kinh doanh như chúng tôi, khi có khoản tiết kiệm, thay vì mua vàng thì mang gửi ngân hàng gần như là lựa chọn duy nhất. Đã có lần bán nhà, trong khi chưa cần sử dụng ngay tôi mang tiền vào gửi ngân hàng trong thời hạn ngắn, vừa yên tâm, có lãi suất. Vậy mà bây giờ có đề xuất ngược đời như vậy, nếu tính thuế thì thà "ôm" một cục tiền ở nhà cho chắc như các cụ ngày xưa cho xong !".
Dưới một cách tiếp cận khác, anh Nguyễn Hoàng ở quận Cầu Giấy nhìn nhận, lâu nay Nhà nước vẫn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm như một cách huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Như vậy, gửi tiết kiệm là việc được khuyến khích, gửi càng nhiều càng tốt để tạo nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đề xuất đánh thuế vào tiền gửi chẳng khác gì cản trở việc huy động nguồn lực quan trọng này.
Không bằng lòng với nhận định của Chủ tịch HoREA khi cho rằng số tiền gửi tiết kiệm mà các cụ hưu trí, người lao động, công nhân, viên chức gửi ở mức 500 triệu đồng trở lên rất ít nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến các đối tượng trên, không ít người đã cho rằng mang tính phiến diện. So với nhiều tỉnh, thành phố khác, số tiền 500 triệu đồng là to nhưng tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, số tiền tiết kiệm trên không quá lớn. Trên thực tế, trong các dự án giao dịch nhà đất, các dự án lấy đất phục vụ giải phóng mặt bằng tại Hà Nội không ít người dân đã cầm tiền tỷ trong tay. Tại các khu đất vàng trung tâm quận Hoàn Kiếm, đã có lúc giá đền bù lên mức kỷ lục 500 triệu đồng/m2. Đất chật, người đông nên ngay cả trong thời điểm hiện tại khi bất động sản đóng băng thì giá nhà, đất của Hà Nội vẫn ở mức cao. Mặt khác, trong bối cảnh khủng hoảng, làm ăn khó khăn, cơ hội đầu tư ít, giá vàng bấp bênh, chứng khoán suy giảm, không ít người đã chọn ngân hàng để gửi tiền. Nay, nếu đề xuất đánh thuế lãi suất tiền gửi tiền ngân hàng được thực hiện chắc chắn người dân sẽ phải lựa chọn hoặc giữ tiền mặt hoặc đổi thành vàng dù không muốn.
Như đã nói ở trên, mặc dù mục đích chính của kiến nghị này theo Chủ tịch HoREA là để chuyển dòng tiền đi vào sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ, giúp nền kinh tế Việt Nam đang sa sút được phục hồi nhưng phần lớn người dân không đồng tình với đề xuất này. Trên các diễn đàn Quốc hội, các phiên họp của Chính phủ và từng địa phương, vấn đề vực dậy nền kinh tế luôn là điểm nóng được tập trung bàn thảo. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó xử lý "cục máu đông" nợ xấu ngân hàng, giải cứu thị trường bất động sản được xem như là những điểm nghẽn cần xử lý gấp hiện nay. Trong bối cảnh đó, tiền gửi của người dân vào ngân hàng cần được khuyến khích, như một cách gián tiếp để họ góp công, góp sức tham gia phát triển kinh tế xã hội. Hơn nữa, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, trong đó không quy định khoản lãi thu được từ tiền gửi tiết kiệm là khoản thu nhập phải chịu thuế. Luật vừa mới ban hành còn chưa có hiệu lực thi hành vậy mà người dân đã phải lo lắng vì lại có thêm một đề xuất đánh vào túi tiền của họ. Điều này liệu có mâu thuẫn với mong muốn dân giàu, nước mạnh?
Nguồn tin: HNM