Trong năm 2022, cần làm gì để xuất khẩu thép tiếp tục giữ vị trí tốp đầu của cả nước với giá trị kim ngạch trên 10 tỉ USD/năm?
Xuất khẩu thép giữ "phong độ" trong năm 2022
Năm 2021, với giá trị xuất khẩu trên 12 tỉ USD, lần đầu tiên xuất khẩu thép lọt "tốp" xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỉ USD. Đây cũng là áp lực cho ngành thép trong năm 2022 để duy trì tốc độ tăng trưởng thặng dư thương mại của nhóm hàng này.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2022, ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới, trong quý I/2022 nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỉ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu thép của Việt Nam.
Xuất khẩu thép sẽ tốt hơn khi các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung. Ảnh: T.L
Nhiều dự báo được đưa ra, năm 2022, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, tình hình dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát tốt hơn, các "nút thắt" về logistics ở Việt Nam và trên toàn cầu dần được gỡ bỏ... hoạt động xuất khẩu thép sẽ tốt hơn khi các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu. VSA dự kiến năm 2022, tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.
Để đảm bảo cân đối cung cầu năm 2022, VSA đề nghị Chính phủ tạo các điều kiện để khuyến khích đầu tư, thúc đẩy và bảo vệ sản xuất thép trong nước, chủ trì xây dựng và sớm ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu…
Để xuất khẩu thép ổn định và duy trì trị giá kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD trong năm 2022, Bộ Công Thương cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, cũng như ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Vì sao ngành thép tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng?
Trong năm 2021, xuất khẩu thép xây dựng liên tục tăng cao gấp nhiều lần với mức "lãi ròng" đã đưa ngành thép lần đầu tiên gia nhập “đội quân” có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sản phẩm thép năm 2021 đạt hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, mang về cho đất nước trên 12,7 tỉ USD, đóng góp chung vào tăng trưởng thương mại trong một năm đầy khó khăn, thách thức do dịch COVID-19.
Vượt qua mọi “nút thắt” về dịch bệnh, đứt gãy chuỗi logistics, giá cước tàu biển, sản phẩm thép của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 30 quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong đó, ASEAN là thị trường truyền thống của thép Việt Nam với tỉ trọng khoảng 28,7% tổng lượng xuất khẩu. Trung Quốc xếp thứ hai với trên 21,32%; EU đạt gần 12,6%; Mỹ đạt trên 7,5% và Đài Loan (TQ) đạt trên 5%.
Đánh giá về triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng "sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt".
Nguồn tin: Lao động