Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15/7/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 214,83 tỷ USD, tăng 20,9% (tương ứng tăng 37,09 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/7/2017 so với cùng kỳ năm 2016)
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2017 (từ 01/7 đến 15/7/2017) đạt gần 16,69 tỷ USD; giảm 9,3% (tương ứng giảm gần 1,71 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6/2017.
Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 7/2017 thâm hụt 187 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2017 thâm hụt hơn 2,96 tỷ USD, bằng 2,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cũng trong 15 ngày đầu tháng 7/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 10,67 tỷ USD, giảm 9,5%; tương ứng giảm gần 1,13 tỷ USD so với nửa cuối tháng 6/2017.
Tính đến hết ngày 15/7/2017, khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 140,26 tỷ USD, chiếm 65,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 23,2%, tương ứng tăng gần 26,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 7/2017 thặng dư 721 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/7/2017 hơn 9,02 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2017 đạt 8,25 tỷ USD, giảm 10,5% (tương ứng giảm 963 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2017. Tính đến hết ngày 15/7/2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 105,93 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng hơn 16,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
So với nửa cuối tháng 6/2017, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 7/2017 tăng/giảm nhiều ở một số nhóm hàng sau: Hàng rau quả tăng 37,7%, tương ứng tăng 49 triệu USD so với kỳ trước; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 2,1%, tương ứng tăng 6,7%,… Trong khi đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12,7%, tương ứng giảm 144 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 18,3%, tương ứng giảm 102 triệu USD; sắt thép các loại giảm 55,1%, tương ứng giảm 95 triệu USD; hàng dệt may giảm 4,8%, tương ứng giảm 61 triệu USD; giầy dép các loại giảm 13,4%, tương ứng giảm 93 triệu USD;…
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt gần 5,7 tỷ USD, giảm 9,4% (tương ứng giảm 591 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/7/2017, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 74,64 tỷ USD, chiếm đến 70,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 19,7%, tương ứng tăng 12,31 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2017 đạt gần 8,44 tỷ USD, giảm 8,1% ( tương ứng giảm 744 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2017. Tính đến hết ngày 15/7/2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 108,89 tỷ USD, tăng 23,3% (tương ứng tăng gần 20,59 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
So với nửa cuối tháng 6/2017, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 7/2017 tăng/giảm nhiều ở một số nhóm hàng sau: Hàng rau quả tăng 82,3%, tương ứng tăng 49 triệu USD; kim loại thường khác tăng 22,2%, tương ứng tăng 46 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 9,7%, tương ứng tăng 28 triệu USD;… Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 12,7%, tương ứng giảm 216 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,2%, tương ứng giảm 127 triệu USD; xăng dầu các loại giảm 23,7%, tương ứng giảm 79 triệu USD; dược phẩm giảm 37,4%, tương ứng giảm 59 triệu USD;...
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 7/2017 đạt gần 4,98 tỷ USD, giảm 9,7% (tương ứng giảm 536 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 6/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/7/2017, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt hơn 65,62 tỷ USD, tăng 27,4%, tương ứng tăng hơn 14,09 tỷ USD, chiếm 60,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Nguồn tin: Hải quan