Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đến lượt thép bị làm giá

- Trước Trung thu, dù lượng đường không thiếu nhưng giá đường vẫn bị đẩy lên cao hơn cả giá thế giới do các nhà sản xuất găm hàng “làm giá” như dư luận đã chỉ rõ. Giờ đây chuyện “làm giá” lại như căn bệnh lan sang cả ngành thép.
 
Cuối tháng 9, tin đồn thép xây dựng đang khan hiếm lan truyền tạo cơ hội cho một số đại lý đẩy giá thép lên cao. Ông chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã phải khẳng định không có chuyện thiếu thép trên thị trường và “đây chỉ là tiểu xảo (kích giá) của một số đại lý”.
 
Những diễn biến giá thép và phôi thép trên thế giới cũng như sản xuất trong nước đã khẳng định kết luận của VSA.
 
Trên thế giới mặc dù kinh tế ở nhiều nước có dấu hiệu hồi phục nhưng trong tháng 9 giá nguyên liệu thép vẫn có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với tháng 8. Trong đó giá chào bán phôi thép tại thị trường Đông Nam Á giảm 10-20 USD/tấn so với cuối tháng 8, thép phế giảm 15-20 USD/tấn...
 
Ở trong nước, sản xuất và tiêu thụ thép giảm chút ít so với tháng 7 và tháng 8 nhưng tăng rất mạnh so với đầu năm và cùng kỳ năm 2008. Lượng thép sản xuất trong nước trong tháng 9 đạt 320.000 tấn, giảm 25.000 tấn so tháng 8 nhưng tăng hơn 25,6% so cùng kỳ 2008. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 9 ước đạt 300.000 tấn, giảm 100.000 tấn so tháng 8 nhưng gấp gần 3 lần cùng kỳ 2008. Hiện nay tồn kho thép còn 170.000 tấn, cộng với phôi cho sản xuất khoảng 450.000 tấn, VSA hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thép xây dựng trong nước.
 
Theo tính toán của VSA, trong 3 tháng cuối năm bình quân sản xuất 300.000-320.000 tấn/tháng thì sản lượng cả năm của doanh nghiệp trong VSA sẽ đạt khoảng 4 triệu tấn. Nếu cộng với 600.000 tấn từ doanh nghiệp ngoài VSA và 700.000 tấn nhập khẩu thì nguồn cung cho thị trường trong năm 2009 vẫn đạt 5 triệu tấn, đủ thỏa mãn nhu cầu trong nước. 
 
Trongtình hình cung cầu cân bằng, thậm chí cung lớn hơn cầu mà giá thép lại bị đẩy lên có nghĩa là thép đang bị làm giá bởi các đại lý. Việc kích giá lên có thể do các đại lý tính toán nhu cầu thép ở vùng lụt bão rất lơn do hạ tầng bị tàn phá nên tăng giá đón đầu.
 
Chúng tôi cho rằng, với hệ thống phân phối cấp 1 do các nhà máy thép tổ chức thì việc kiểm soát giá bán tại hệt hống đại lý này là trong tầm tay của nhà sản xuất. Để tránh tình trạng găm hàng kích giá, VSA cần thông báo thường xuyên giá bán lẻ trên thị trường qua các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và có đường dây tiếp nhận phản ánh nơi bán sai giá để xử lý kịp thời.
 
Các nhà sản xuất đừng quên rằng, khi giá thị trường bị đẩy lên cao như hiện nay, tới 12-13,2 triệu đồng/tấn sẽ là cơ hội cho thép giá rẻ ở các nước xung quanh tràn vào gây sức ép lại cho chính ngành sản xuất trong nước. Hiện nay giá thép thành phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang bán sang thị trường Campuchia với giá chỉ 440-460 USD/tấn, tương đương 8 – 8,2 triệu đồng/tấn. Giá này rõ ràng thấp hơn nhiều giá thép trên thị trường Việt Nam. Vì thế chính các nhà sản xuất thép cần tìm mọi cách không để thép bị làm giá. Đó chính là lợi ích lâu dàu của ngành thép.

(KT&ĐT)

ĐỌC THÊM