Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dệt may, đồ gỗ, thép, đinh Việt Nam… có thể bị kiện

Đó là những mặt hàng có nguy cơ cao phải “đáo tụng đình” tại EU và Mỹ vì kiện chống bán phá sau những tôm, cá, túi nhựa, da giày… Ngoài ra, một số mặt hàng mới như hóa chất, sản phẩm cơ khí, điện, nhựa... cũng có thể bị điều tra.

Đây là cảnh báo vừa được đưa ra ngày 10/3 của Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại (TRC).

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thay vì chờ đợi người khác thương cảm công nhân Việt Nam - Ảnh Phan Hùng

 

“Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nhiều nước coi đây là công cụ rất tốt để chặn hàng xuất khẩu của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên (TRC) nhấn mạnh.

Kể từ vụ kiện tụng đình đám cá tra, basa năm 2001, 10 năm qua, số lượng các vụ kiện chống bán phá giá nhắm vào hàng xuất khẩu Việt Nam đã lên đến con số 42. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nhất là với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, nhất là tại hai thị trường xuất khẩu chính Hoa Kỳ và EU.

Do vậy, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp xuất khẩu năm 2010 là vượt được các rào cản thương mại ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Dù đã 10 năm “đụng độ” vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên nhưng theo tiến sĩ Peter John Koenig, Luật sư cao cấp của Công ty luật Hoa Kỳ Squire Sanders, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa có nhiều kỹ năng đối phó.

Thậm chí, không ít doanh nghiệp, hiệp hội không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về tính chất và tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại, đã có cách hành xử tiêu cực gây ra hậu quả bất lợi.

Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý cả 3 giai đoạn: trước khi bị kiện, trong vụ kiện và sau khi bị áp thuế bán phá giá.

Trước hết phải phòng tránh bị dính kiện bằng cách chú trọng giám sát và cảnh báo xuất khẩu đối với những mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng quá nhanh tại một thị trường. Nhà nước và các hiệp hội cũng cần tăng cường vai trò định hướng và điều tiết xuất khẩu để không bị tăng trưởng quá nóng.

Trong trường hợp bị kiện phải tuân thủ thời gian quy định trong từng giai đoạn điều tra, hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán và sổ sách tài liệu… chuẩn bị trước các lập luận sắc bén đối phó các nhà sản xuất nước sở tại…

Chung sống lâu dài với cá vụ kiện thương mại là điều chắc chắn trong bối cảnh các nước đều tăng cường bảo hộ còn Việt Nam lại phụ thuộc vào xuất khẩu.

Do vậy, đã đến lúc doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng chuẩn bị, đối phó thậm chí kiện ngược lại hay vì chỉ biết kêu ca, than phiền hay trông chờ vào sự thương cảm cho nhân công Việt Nam như trước.

vietnamnet

ĐỌC THÊM