Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điểm sự kiện và dự báo tuần từ 26/4 – 2/5

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hai báo cáo quan trọng về ổn định tài chính toàn cầu và triển vọng kinh tế thế giới, Hy Lạp chính thức đề nghị kích hoạt gói giải cứu… là những tin tức nổi bật tuần qua (18 – 25/4). Trong khi, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố lãi suất cơ bản sẽ là sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần từ 26/4 – 2/5.

Hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới khai mạc ngày 25/4 - Ảnh: Getty.

Dưới đây là các sự kiện kinh tế chính diễn ra trong 7 ngày qua:

Ngày 18/4, Hội nghị các bộ trưởng tài chính Á-Âu lần thứ 9 bế mạc tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Các bên nhất trí cho rằng, sau khủng hoảng tài chính quốc tế, cần tăng cường hợp tác toàn cầu, đặc biệt là sự hợp tác giữa các nước châu Á và châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, quyết định thành lập nhóm chuyên trách đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố tro bụi núi lửa ở Iceland đối với ngành hàng không châu Âu cũng như nền kinh tế toàn khu vực.

Ngày 19/4, Cao ủy phụ trách vấn đề cạnh tranh của Ủy ban châu Âu, Joaquin Almunia, cho rằng, do sự cố núi lửa tại Iceland, nhiều nước tại châu Âu đã đóng cửa không phận, khiến các hãng hàng không chịu sự tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Ủy ban châu Âu có thể cho phép các nước thành viên tiến hành trợ giúp đặc biệt cho các hãng hàng không bị thiệt hại.

Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 10 của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt đã được tổ chức tại Oran, thành phố lớn thứ hai của Algeria. Các nước thành viên nhất trí hy vọng thực hiện được mục tiêu neo giá khí đốt theo giá dầu thô. Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng theo ý tưởng của nước chủ nhà Algeria.

Hãng xe lớn nhất Nhật Bản, Toyota Motor, đã chính thức chấp thuận nộp khoản tiền phạt 16,4 triệu USD cho các nhà chức trách Mỹ do đã che giấu thông tin liên quan đến lỗi dính chân ga.

Ngày 20/4, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết, sẽ nâng lãi suất tái chiết khấu thêm 0,25%, lên 5,25%; đồng thời, lãi suất tái chiết khấu đảo ngược cũng được nâng thêm 0,25%, lên mức 3,75%. Biện pháp này nhằm giúp kiểm soát lạm phát hiện đang gần tới 10%.

IMF công bố “Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu”, trong đó cảnh báo rủi ro nợ công ở các nước đang phát triển và vấn đề lạm phát, bong bóng tài sản ở một số nước đang phát triển có thể ảnh hưởng tới ổn định tài chính toàn cầu.

Theo IMF, do tình hình kinh tế thế giới hồi phục tốt hơn dự tính, nên mức độ tổn thất của ngành ngân hàng toàn cầu do khủng hoảng tài chính gây ra sẽ ít hơn khoảng 533 tỷ USD so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Ngày 21/4, IMF đưa ra báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”. Trong đó, cơ quan này dự báo kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 4,2%, năm 2011 là 4,3%; kinh tế Mỹ tăng trưởng lần lượt là 3,1% năm 2010 và 2,6% trong 2011; khu vực các nền kinh tế phát triển là 2,3% và 2,0%; kinh tế Trung Quốc là 10% và 9,9%, Ấn Độ là 8,8% và 8,4%.

IMF cảnh báo, các nền kinh tế cần thận trọng khi chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo cơ quan này, Mỹ và các nước phát triển khác đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc vừa kiềm chế thâm hụt vừa duy trì mức chi tiêu cao của Chính phủ để kích thích kinh tế.

Ngày 22/4, Cơ quan thống kê liên minh châu Âu công bố số liệu sơ bộ cho thấy, thâm hụt tài chính năm 2009 của 16 nước thành viên khu vực sử dụng đồng Euro chiếm 6,3% GDP, tăng vọt từ mức 2% của năm 2008.

Theo cơ quan này, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong GDP của Hy Lạp năm 2009 sẽ được điều chỉnh từ mức dự báo 12,9% trước đây lên 13,6%. Đồng thời, cơ quan đánh giá tín dụng Moody’s cũng giảm bậc xếp hạng nợ của Hy Lạp từ A2 xuống A3 và cảnh báo nó còn có thể bị hạ thấp hơn.

Hiệp hội kinh doanh địa ốc Mỹ cho biết, doanh số bán nhà qua sử dụng của nước này trong tháng 3 đã tăng tới 6,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 5,35 triệu căn, cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái tới nay.

Ngày 23/4, Hy Lạp chính thức đề nghị EU và IMF khởi động gói cứu trợ tài chính. Giám đốc IMF, Dominique Strauss-Kahn, khẳng định tổ chức này sẽ nhanh chóng triển khai gói cứu trợ. Các thị trường chứng khoán ở châu Âu đã có phản ứng tích cực sau lời kêu cầu của Hy Lạp, nhưng lại sụt giảm ngay sau đó do giới đầu tư cho rằng, gói giải cứu chỉ là giải pháp tình thế.

Bộ Thương mại Mỹ công bố, doanh số bán nhà mới tháng 3 của Mỹ tăng 27% so với tháng trước, lên 411.000 căn, cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, cũng là mức tăng theo tháng lớn nhất trong 47 năm qua.

Ngày 24/4, hội nghị mùa xuân năm 2010 của IMF và Ngân hàng Thế giới chính thức khai mạc, bắt đầu với sự kiện Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế của IMF bắt đầu nhóm họp.

Dự báo các sự kiện sẽ diễn ra trong tuần từ 26/4 – 2/5:

Ngày 26/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố chỉ số giá dịch vụ của khu vực doanh nghiệp trong tháng 3.

Ngày 27/4, Australia công bố chỉ số giá sản xuất quý 1; Đức công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5; FED bắt đầu nhóm họp trong 2 ngày để bàn về chính sách tiền tệ.

Ngày 28/4, FED công bố quyết định về lãi suất cơ bản; Mỹ cho biết lượng dự trữ dầu thô tuần trước; Nhật Bản công bố chỉ số bán lẻ tháng 3; Australia công bố chỉ số giá tiêu dùng quý 1; Đức công bố số liệu sơ bộ chỉ số giá tiêu dùng tháng 4.

Ngày 29/4, Đức công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 4; Cơ quan thống kê liên minh châu Âu cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 khu vực sử dụng đồng Euro; Mỹ công bố số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần trước.

Ngày 30/4, Nhật Bản công bố tỷ lệ thất nghiệp, số liệu sản xuất ngành khai khoáng và chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông báo kết quả cuộc họp về lãi suất;

Cơ quan thống kê liên minh châu Âu công bố tỷ lệ thất nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của khu vực sử dụng đồng Euro; Mỹ công bố GDP thực tế và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân quý 1/2010, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 của trường Đại học Michigan.

vneconomy

ĐỌC THÊM