Kinh tế Trung Quốc tháng 11 có những diễn biến đáng chú ý trong 3 lĩnh vực thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến điều hành kinh tế vĩ mô cũng như quan hệ kinh tế quốc tế: tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát.
Về tỷ giá, sức ép của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ đối với đồng NDT vẫn không thay đổi. Quan điểm của Mỹ về đồng NDT được định giá thấp có sự nhất quán, thống nhất cao trong các nhân vật điều hành kinh tế Mỹ.
Đáp lại sức ép của Mỹ, một mặt Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá theo hướng "dần dần từng bước" để không gây sốc cho nền kinh tế, mặt khác quan điểm không chấp nhận điều chỉnh tỷ giá theo đòi hỏi của Mỹ (đồng NDT phải tăng giá từ 25-40%) được cụ thể hóa thành những tuyên bố cứng rắn.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: "Đừng ép chúng tôi về tỷ giá". Còn Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào thì cam kết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tổ chính sách đối với đồng nhân dân tệ ở tốc độ ổn định. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu sẽ cân bằng thương mại bằng việc tăng kích thích nhu cầu nội địa".
Với các tuyên bố khác nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, những thỏa thuận về tỷ giá tại Hội nghị G20 tại Seoul cũng rất "mong manh" và nguy cơ "chiến tranh" tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể loại trừ.
Về tăng trưởng, GDP vẫn đạt ở mức 9,6%, vẫn thặng dư thương mại lớn (2.640 tỷ USD), vẫn tích cực đầu tư ra nước ngoài (Châu Á, Châu Phi, Châu Úc và Châu Mỹ...) thông qua việc tìm kiếm nguồn tài nguyên phục vụ cho nền kinh tế đang tăng trưởng nóng của mình.
Tuy tăng trưởng cao và có vị trí thứ 2 thế giới nhưng kinh tế Trung Quốc cũng bộc lộ những điểm yếu "chết người". Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng ở mức cao và đạt 6.890/7.500 tỷ NDT (khoảng 92%) của cả năm 2010 trong bối cảnh GDP không tăng, chỉ ổn định ở mức 9,6%. Thứ hai, tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư. Thứ ba, tăng trưởng phụ thuộc vào XNK (kim ngạch XNK khoảng 2.200 tỷ USD/5.400 tỷ USD ước tính của GDP).
Để từng bước giải quyết các vấn đề trên, Trung Quốc cần phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa mà biện pháp đầu tiên là nâng giá trị đồng NDT để kích thích nhập khẩu và tăng chi tiêu nội địa.
Về lạm phát, trong những tháng cuối năm kinh tế Trung Quốc gặp rào cản khá mạnh mang tên lạm phát. Với mức lạm phát công bố 4,4%, Trung Quốc đã đứng đầu các nền kinh tế lớn.
Điều này có thể là "bất thường" đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Mỹ và Châu âu lạm phát dưới 2%, Nhật Bản còn giảm phát).
Nguyên nhân lạm phát tăng cao có thể được giải thích do tăng "nóng" tín dụng (cung tiền đã tăng 54% so với 2 năm trước đây), do điều chỉnh tỷ giá, do nợ xấu, do thiên tai...
Lạm phát tăng cao khiến công tác điều hành kinh tế vĩ mô phải có sự điều chỉnh và việc kiềm chế lạm phát phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Với mục đích đó, Trung Quốc đã có những hành động "ngược chiều" so với Mỹ, Nhật và Châu âu, đó là tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, giảm các loại phí đối với kinh doanh lương thực và thực phẩm...Nhưng xử lý lạm phát cũng không phải là vấn đề đơn giản, kết quả còn ở phía trước.
Vươn lên đứng thứ 2 về kinh tế đã khó, xử lý các vấn đề về kinh tế còn khó hơn nhiều. Đáp án đã có, kết quả còn chờ.
Nguồn: Tamnhin.net