Với chủ đề “Tư duy lại chiến lược tăng trưởng của châu Phi”, Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 20 về châu Phi đã khai mạc ngày 5/5 tại thủ đô Dar es Salaam của Tanzania, thu hút hơn 1.000 đại biểu từ 85 nước.
Bà Anna Tibaijuka, Giám đốc chấp hành Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN HABITAT) chủ trì diễn đàn, nhấn mạnh tư duy lại chiến lược phát triển nhằm khơi dậy tiềm năng to lớn của châu Phi, đặt châu lục này vào vùng sáng phát triển của thế giới trong ba năm tới.
Bà nhấn mạnh thị trường châu Phi đang nổi lên là một trong những thị trường phục hồi sớm sau khủng hoảng và được dự báo sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Tanzania Salim Ahmed Salim nêu rõ châu Phi đang phải giải quyết nhiều thách thức như đói nghèo, dịch bệnh và xung đột.
Diễn đàn năm nay sẽ cung cấp nền tảng để các nước tại châu lục đối phó với những thách thức này và tận dụng cơ hội sau khủng hoảng để thiết kế lại lộ trình phát triển bền vững trong tương lai.
Liên hợp quốc cảnh báo châu Phi đang đô thị hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ châu lục nào trên thế giới và với đà hiện nay, vào năm 2030, châu Phi sẽ hoàn tất quá trình này.
Các chuyên gia của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này khẳng định đã đến lúc lãnh đạo các nước cần xem xét lại chiến lược phát triển để phát triển đô thị một cách cân bằng hơn, coi đây là một trong những giải pháp then chốt để thúc đẩy kinh tế châu Phi.
Dự kiến trong ba ngày hội nghị, quan chức các nước sẽ đánh giá thực trạng phát triển kinh tế châu Phi hiện nay, ảnh hưởng của những thay đổi toàn cầu đối với châu lục, xác định các cơ hội thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng và các rào cản cản trở tiến bộ xã hội và kinh tế của các nước trong những năm tới.
Cùng ngày, tại Hội nghị của Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) về châu Phi, đang diễn ra ở thủ đô Luanda của Angola, Liên hợp quốc cảnh báo biến đổi khí hậu đã và có thể đảo ngược hoàn toàn những thành quả xóa đói nghèo và an ninh lương thực của châu Phi.
Hậu quả của nhiệt độ cao và thời tiết ngày càng trở nên không thể dự báo trước được đã làm giảm sản lượng lương thực, kéo theo gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực của châu Phi.
Nghiên cứu của FAO về tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh lương thực và quản lý tài nguyên thiên nhiên của châu Phi cho biết 1/3 dân số châu lục này đang sống tại các khu vực thường bị hạn hán và 6 trong số 10 thành phố lớn nhất nằm gần bờ biển, là hai khu vực chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.
(TTXVN/Vietnam+)