Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2010 diễn ra trong hai ngày 6-7/6/2010 đã tập trung vào vấn đề hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tăng trưởng xanh, phát triển các siêu đô thị trong tương lai… Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á, các DN, nhà nghiên cứu, học giả uy tín đã đưa ra hàng loạt các kinh nghiệm, chia sẻ tại diễn đàn về những vấn đề này.
Nhân lực vấn đề cốt lõi của sự phát triển trong tương lai Ông James T. Riady, Giám đốc điều hành Tập đoàn Lippo Indonesia chia sẻ nhân lực là vấn đề cốt lõi của sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những yếu kém về mặt nguồn nhân lực gây khó khăn không nhỏ cho việc phát triển và nâng cao vị thế của các quốc gia châu Á. Trong bối cảnh đó, cần có sự hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm xây dựng một đội ngũ nhân lực phù hợp với nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Với vị trí ngày càng quan trọng của châu Á trong quản trị toàn cầu, thì các vấn đề về khoảng cách và thiếu nguồn nhân lực tài năng phải được khẩn trương giải quyết một cách có hiệu quả cần được thực hiện thông qua sự kết hợp của DN, tổ chức giáo dục, chính phủ, cộng đồng.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cho biết, Việt Nam có khoảng 65% dân số dưới 30 tuổi, đây là một lực lượng lao động dồi dào cho phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế. Trong tương lai các trường đại học phải nghiên cứu kỹ nhu cầu nhân lực của DN, phải cung cấp đầy đủ những kỹ năng cần thiết co công việc tương lai, đồng thời nhà trường cũng dự đoán được xu hướng phát triển của xã hội để có chiến lược phát triển giáo dục phù hợp. Chính phủ Việt Nam đã cho phép mở các trường tư nhân, DN mở trường đại học như Đại học Hùng Vương của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Đại học FPT của Công ty FPT Việt Nam… hay các chương trình đào tạo của các trường đại học nước ngoài và đào tạo theo nhu cầu của xã hội để đảm bảo DN có được lực lượng lao động chất lượng, giàu kỹ năng.
Chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh
Vấn đề tăng trưởng xanh đã được đặt ra trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế- xã hội đang đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu,đặc biệt đối với các nước khu vực châu Á thì vấn đề này càng được dảm bảo tốt để hướng tới vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Hàn Quốc Yoon Jong Soo, tăng trưởng xanh là một yếu tố tất yếu trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới đồng thời đây là mô hình mà các nước cần cam kết thực hiện trong quá trính phát triển. Ông Yoon Jong Soo cho biết, tại Hàn Quốc, song song với gói kích cầu năm 2009 giúp tăng trưởng Hàn Quốc phục hồi và đã vượt qua khủng hoảng, Chính phủ nước này đã đầu tư 30 tỷ USD cho phát triển xanh, thông qua những dự án về tăng trưởng xanh. Kế hoạch của Hàn Quốc là đầu tư 83,6 tỷ USD, một tỷ trọng đáng kể trong GDP để cắt giảm 30% lượng khí thải CO2 vào năm 2020. Cũng theo ông Yoon Jong Soo thì mỗi năm các quốc gia nên phân bổ 2% GDP vào việc nghiên cứu phát triển và ưu đãi cho các DN và người tiêu dùng các sản phẩm sạch.
Cũng liên quan đến mô hình tăng trưởng xanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Metro (Đức), đồng Chủ tịch Hội nghị WEF Đông Á Frans Muller cho rằng, thực tế nhiều quốc gia đang gặp phải những vấn đề chung, đó là biến đổi khí hậu, phát triển xanh và tăng trưởng xanh hướng tới sự phát triển toàn diện. Không chỉ từ phía Chính phủ mà các DN, tập đoàn cũng cần nỗ lực trong vấn đề này. Từ góc độ DN, theo ông Stuart Dean - Chủ tịch Tập đoàn General Electric (G.E) khu vực ASEAN: G.E đầu tư hơn 5 tỷ USD để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm xanh, theo hướng giảm lượng khí thải CO2. Ngoài ra, theo ông Carl Lukach - Chủ tịch DuPont Asia Pacific Nhật Bản, việc sản xuất thêm công nghệ xanh tốn kém nhiều chi phí do đó các Chính phủ cần hỗ trợ về chính sách thuế và vốn cho các DN hoạt động, đồng thời phải có sự liên kết giữa các bên có liên quan nhằm tối ưu hóa hiệu quả.
Phát triển các siêu đô thị
Vấn đề phát triển hạ tầng đô thị của các nước khu vực châu Á đang diễn ra rất sôi động như Việt Nam, Philippines, Trung Quốc... Hiện nay 11/19 siêu thành phố thế giới là ở châu Á. Làm thế nào để các nước châu Á có thể giải quyết hài hòa giữa hệ thống cơ sở hạ tầng và các mô hình phát triển hay thay đổi để tránh ảnh hưởng đến việc biến đổi khí hậu. Đó là vấn đề nan giải, là thách thức chung của nhiều nước. Việc hình thành các siêu đô thị đi kèm với việc chính phủ phải quản trị và giải quyết được các vấn đề nảy sinh và đảm bảo những nhu cầu cần thiết cho người dân trong đời sống sinh hoạt. Ông Jose Rene D Almendras - Tổng giám đốc Công ty cung cấp nước Manila - Philippines cho biết, việc phát triển đô thị phải gắn liền với các vấn đề công cộng như giao thông, nguồn nước, vấn đề thông tin, dân sinh, đặc biệt là môi trường. Trong trọng tâm của sự phát triển phải có sự kết hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp. Quan hệ đối tác công - tư không chỉ là mong muốn nhất thời mà là vấn đề cần thiết trong quá trình hành động để cùng nhau giải quyết các vấn đề cho sự phát triển bền vững của các siêu đô thị. Ngòai ra, theo ông Ren Xuefeng, Phó Thị trưởng thành phố Thiên Tân - Trung Quốc, việc phát triển các thành phố vệ tinh phải đáp ứng nhu cầu về việc làm, giải trí, giáo dục cho người dân trong khu vực thành phố, giảm khoảng cách giàu nghèo để phát triển đồng bộ, bền vững. Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thiên Tân đã coi trọng việc phối hợp với các DN và các nhà đầu tư từ Singapore để cùng xây dựng thành phố Thiên Tân thành thành phố lớn thứ 3 Trung Quốc và đưa ra các chính sách chiến lược cho dự án này.
Tại TP.HCM - hướng tới một trong những siêu đô thị trong tương lai với mức dân số năm 2020 là 10 triệu người và khoảng 2,5 triệu khách vãng lai, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, TP.HCM xác định cần phải phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo vấn đề về môi trường, an sinh xã hội trong quá trình phát triển. Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng các đô thị vệ tinh là giải pháp giảm bớt áp lực với TP.HCM, xây dựng thành phố đa cực trong tương lai.
Như vậy, sau hai ngày diễn ra với hàng chục cuộc thảo luận về rất nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á lần thứ 19 đã khép lại. Tại phiên bế mạc, Giám đốc điều hành WEF Robert Greenhill cho biết, hơn 500 đại diện từ các nước trên thế giới đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế cũng như đề ra những chiến lược phát triển lâu dài. Các đại biểu đã học được nhiều vấn đề bổ ích từ khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế tới việc xử lý khủng hoảng, phát triển bền vững qua đó đảm bảo môi trường sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, đảm bảo để một bộ phận lớn người dân được thừa hưởng thành quả từ phát triển kinh tế… Kỳ họp WEF Đông Á lần thứ 20 sẽ diễn ra tại Jakarta, Indonesia vào ngày 12/6/2011./.
(VEN)