Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điện tăng giá, doanh nghiệp thêm khốn khó

Trong thời điểm nền kinh tế khó khăn, sức mua yếu, các doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại thì việc giá xăng, điện dồn dập tăng đã tạo thêm sức ép. Doanh nghiệp phải tìm đủ cách xoay sở để tránh phải tăng giá - một biện pháp được coi là “hạ sách” trong bối cảnh sức mua yếu hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong ngành thép, sản xuất phôi thép tiêu thụ điện năng nhiều nhất, khoảng 400 - 500 kWh/tấn sản phẩm, còn các công đoạn sản xuất thép khác như cán thép, ống thép, tôn mạ, cán nguội… thì tiêu hao khoảng 80 - 120 kWh/tấn. Tính theo cơ cấu giá thành, giá điện chiếm khoảng 5,5% phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm 0,7 - 0,75%. “Với mức tăng 5% của giá điện, giá thành phôi thép phải tăng thêm 50.000 đồng/tấn mới đủ bù đắp chi phí sản xuất” - ông Nghi tính toán.

"Điện năng là đầu vào của mọi hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội, việc tăng giá điện 5% và tăng đột ngột như vừa qua chắc chắn sẽ gây khó cho đối tượng tiêu thụ điện (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, người dân), đặc biệt đối với những lĩnh vực tiêu thụ điện năng lớn như xi măng, thép, thủy sản...”.

 Sản xuất xi măng cũng chịu tác động mạnh từ việc tăng giá điện. Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, với mức tiêu hao điện khoảng 90-100 kWh/tấn, điện chiếm 15 - 17% cơ cấu giá thành của xi măng. Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện tăng thêm 5% thì chi phí sản xuất xi măng tăng thêm khoảng 13.000 - 15.000 đồng/tấn.

Lãnh đạo Công ty Vissan cho biết, sau ngày 1/8, chi phí giá điện tăng thêm của Công ty là 90 triệu đồng/tháng và về lâu dài, đây sẽ là một phần chi phí tăng thêm đáng kể của doanh nghiệp. Tương tự, Công ty Cổ phần Bibica cho biết, tiền điện chiếm 10 - 15% chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh của Công ty, và chiếm khoảng 1 - 1,5% cơ cấu giá thành sản phẩm, nên khi điện tăng giá thêm 5% cùng với các hiệu ứng tăng giá diện rộng, mỗi tháng Công ty tiêu tốn thêm cả trăm triệu đồng.

Anh Lâm, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ, nội thất nhỏ ở xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng phải tính toán lại chi phí sản xuất, kinh doanh sau khi giá điện tăng. “Mỗi tháng xưởng tôi chi chừng 15 triệu đồng tiền điện, chiếm khoảng 5% tổng chi phí sản xuất của xưởng. Nay tiền điện tăng, cộng với xăng tăng, các chi phí cung ứng vật tư, vận chuyển hàng... đều tăng theo, khiến chúng tôi dự trù mỗi tháng phải tiêu tốn thêm chừng 5 triệu nữa” - anh Lâm cho biết.

Tăng giá bán là “hạ sách”

Theo logic thông thường, khi đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải tăng, tức doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp khi được hỏi không hề có kế hoạch tăng giá, bởi trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, hàng hóa vốn đã ế ẩm, tăng giá sẽ khiến lượng tồn kho lớn, đe dọa đến sự sống còn của doanh nghiệp.

“Hiện ngành thép đang rất khó khăn bởi thép tồn kho cao do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng và lạm phát. Tháng 7/2013, tổng mức tiêu thụ thép tại thị trường trong nước ước đạt 386.000 tấn, tăng hơn mức 351.000 tấn của tháng 6 nhưng so với mức trung bình của năm 2012 (400.000 tấn/tháng) và năm 2011 (480.000 tấn/tháng), thì sức mua thép vẫn thấp. Vì lẽ đó, dù giá xăng, rồi điện liên tiếp tăng, cộng với hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng vật tư nguyên liệu, dịch vụ vận tải… doanh nghiệp thép cũng chỉ “gồng mình” tiết kiệm các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá bán. Hiện chưa có thành viên nào của Hiệp hội có kế hoạch tăng giá” - ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thiện, nhu cầu xi măng đang rất thấp, nên dù chi phí sản xuất tăng nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán. “Tăng giá điện cần có lộ trình, bởi doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhiều hợp đồng đã ký với đối tác, đùng một cái không thể thay đổi, cân đối được” - ông Nguyễn Văn Thiện bức xúc.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định: “Tăng giá điện 5% là quá lớn, doanh nghiệp có thể bị phá sản do chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá bán”.

Nguồn tin : GTVT

 

 

 

 

ĐỌC THÊM