Bên cạnh các vấn đề lớn khác, trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2010, kế hoạch năm 2011, các vấn đề về sản xuất, cung ứng điện; thực hiện quy hoạch ngành thép và tình hình nhập siêu, hạn chế nhập siêu được nhiều đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề này.
Năm 2010- 2011, nhiều giải pháp đảm bảođiện cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong phần thảo luận, liên quan đến tình hình sản xuất, cung ứng điện gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong thời gian vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song trong công tác dự báo tình hình cung cấp điện còn yếu kém, quy hoạch thủy điện và chỉ đạo, xử lý thiếu điện chưa tốt. Việc để tình trạng thiếu điện kéo dài gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt, tạo tâm lý bức xúc cho người dân. Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là quy hoạch và cơ cấu ngành điện một cách hợp lý nhất
Báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến sản xuất, cung ứng điện năng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn: “Việc chưa đảm bảo cung ứng điện trong thời gian vừa qua có phần trách nhiệm của Bộ Công thương” và cho biết, năm 2010, đặc biệt là mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7 tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, trước hết là trách nhiệm về mặt chỉ đạo đó là việc thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn VI từ năm 2006 đến năm 2010 và có tầm nhìn đến năm 2015.
“Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch điện VI thì chúng ta sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi. Các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện đã dự báo trong tổng sơ đồ VI cho đến ngày hôm nay vẫn thể hiện dự báo đúng đắn”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2015, bình quân một năm chúng ta tăng phụ tải điện khoảng 16 đến 17% và thực tế trong các năm qua từ năm 2007 đến năm 2010, chúng ta cũng đã đạt mức tăng trưởng 15 - 16%, riêng năm 2010 dự báo sẽ tăng 15,7%.
“Như vậy, dự báo của chúng ta về nhu cầu điện là tương đối phù hợp với diễn biến, nhưng trên thực tế việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng điện có chậm trễ”- Bộ trưởng thừa nhận và cho rằng, việc chậm trễ này có nhiều lý do, trong đó có một lý do cũng hết sức đáng quan tâm, đó là vấn đề thiếu vốn, nhất là giai đoạn năm 2008 và năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, Chính phủ thực hiện một số giải pháp thắt chặt chi tiêu, trong đó có giải pháp hạn chế đầu tư, nên một số công trình trong ngành điện trong giai đoạn năm 2008, năm 2009 rất khó khăn trong việc vay vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đưa một số công trình điểm vào huy động trong giai đoạn của năm 2010 và một số năm sau.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và một số nhà phát điện độc lập (gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tham gia vào việc xây dựng và cung ứng điện) phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo Tổng sơ đồ VI và sắp tới đây là Tổng sơ đồ VII. “Đây là giải pháp quan trọng nhất, phải có nguồn thì mới có khả năng cung ứng điện”- người đúng đầu Bộ Công Thương khẳng định cho biết. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng đã đi vào hoạt động nhưng phải hoạt động ổn định.
Trên thực tế, trong thời gian qua, chúng ta đã đưa một số nhà máy nhiệt điện chạy than vào hoạt động, như: nhiệt điện Hải Phòng công suất 600 MW, nhiệt điện Quảng Ninh công suất 600 Mw, nhiệt điện Cẩm Phả và một số nhiệt điện nhỏ khác… Tuy nhiên, các nhà máy này hoạt động chưa ổn định do những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật.
Đây cũng là một điều tương đối bình thường, bởi vì trong giai đoạn đầu nói chung các công trình đi vào hoạt động cần phải có thời gian chạy thử để rà soát, căn chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ về kỹ thuật. Tuy nhiên, trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương khẳng định, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, vào cuối năm 2010 hoặc chậm nhất là đầu năm 2011 các nhà máy này sẽ được đưa vào hoạt động ổn định.
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngành điện, trong đó có Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, từ năm 2009 Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, các ngành xây dựng đề án về tái cơ cấu ngành điện. Tuy nhiên, do một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu cho nên vừa qua Chính phủ yêu cầu điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ vào cuối năm 2010.
Cũng trong phần báo cáo của mình trước Quốc hội liên quan đến sản xuất, cung ứng điện năng, nhưng ở khía cạnh giá điện và việc tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá trị trường, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định: “Thực hiện cơ chế giá thị trường thì phải đảm bảo một nguyên tắc đó là đối với những hộ nghèo, những hộ khó khăn thì phải có hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ trực tiếp hay hỗ trợ gián tiếp cũng phải hỗ trợ. Đối với các hộ tiêu dùng khác, đặc biệt là vấn đề sử dụng nhiều nhu cầu điện cho ánh sáng sinh hoạt, cho tiêu dùng thì phải có những biện pháp để vừa khuyến khích việc tiết kiệm điện, đồng thời cũng để sử dụng điện có hiệu quả”.
Kết thúc phần báo cáo liên quan đến vấn đề sản xuất, cung ứng điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo, dù khó khăn đến mấy trong năm 2010- 2011 phải đảm bảo nhu cầu điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ cho đời sống của nhân dân. “Chúng tôi đang chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam triển khai tính toán. Trong tính toán có phối hợp với một số bộ, một số địa phương rà soát lại các công trình sử dụng điện không hiệu quả hoặc lãng phí, hoặc công nghệ lạc hậu, ở đây có cả các dự án thép, một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp chúng tôi đang làm và phải báo cáo Chính phủ trong năm 2010”- Bộ trưởng Vu Huy Hoàng kết thúc.
Chỉ cho phép thực hiện các dự án thép trong quy hoạch!
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định như vậy trước Quốc hội sau khi các đại biểu Quốc hội nêu thực trạng nhiều dự án sản xuất thép nằm ngoài quy hoạch ngành thép đã và đang được triển khai.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận trong thời gian vừa qua có một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch được triển khai tại một số địa phương. Đặc biệt là những địa phương còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng với mong muốn có các dự án đầu tư vào địa phương mình để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp, dẫn đến tình trạng có những dự án không nằm ở trong quy hoạch. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và trước ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội cả nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành và các địa phương rà soát lại quy hoạch ngành thép trên tinh thần, chỉ các dự án nằm trong quy hoạch thì mới được phép triển khai.
“…Qua rà soát, kiểm tra, nếu phát hiện thấy những dự án thép, một là nằm ngoài quy hoạch, hai là không có hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng thì phải yêu cầu thay đổi về công nghệ, hoặc thay đổi về thiết bị, nếu không đáp ứng được yêu cầu đó thì phải đình chỉ và thậm chí là chấm dứt hoạt động”-Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với các ngành, các địa phương để đảm bảo quy hoạch thép đi đúng hướng, trong đó có hướng trọng tâm là tập trung đầu tư vào các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm.
Giải thích về hướng thực hiện này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Hiện nay chúng ta thiếu là thiếu phôi thép chứ không thiếu thép sản phẩm, nhất là thép xây dựng. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung thực hiện một số dự án sản xuất phôi thép, như: dự án thép ở Vũng Áng ở Hà Tĩnh, công suất khoảng hơn 1 triệu tấn/năm; mở rộng dự án phôi thép ở Thái Nguyên công suất từ 500.000 tấn lên 1 triệu tấn/năm; dự án sản xuất phôi thép tại Lào Cai, công suất khoảng 500.000 tấn/năm...
Nhập siêu liên tục giảm theo các năm
Trước những lo lắng của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay nhập siêu đang còn cao và đây cũng là một trong những khó khăn thách thức đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, qua các con số thống kê của liên tiếp các năm gần đây, có thể thấy tình hình nhập siêu của Việt Nam đã và đang được cải thiện.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tuy mức giảm chưa lớn về con số tuyệt đối song từ năm 2008 đến này, tình hình nhập siêu liên tục chuyển biến theo hướng giảm dần. “Năm 2008 chúng ta nhập siêu 18 tỷ USD; năm 2009 là 12 tỷ 800 triệu USD. Riêng năm 2010, qua nhiều tháng thực hiện và dự báo hai tháng cuối năm chúng tôi tính toán cùng với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu năm 2010 sẽ vào khoảng 12 tỷ USD”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỷ lệ nhập siêu trên kim ngạch xuất khẩu cũng giảm dần theo các năm. Cụ thể, năm 2007 xấp xỉ 30%; năm 2008 là 28,8%; năm 2009 là 22,5%; và năm nay khoảng 18%.
“Việc khắc phục nhập siêu đòi hỏi một quá trình tương đối dài chứ không thể trong ngày một, ngày hai bởi vì chúng ta đang tập trung đầu tư rất nhiều cho kinh tế, đặc biệt cho xây dựng các năng lực sản xuất mới cho các năm sau”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích và cho biết thêm, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng nhập siêu chưa được cải thiện là do công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển nên rất nhiều sản phẩm của chúng ta xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu mới có bán sản phẩm, có nguyên liệu để xuất khẩu.
Kết thúc phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Theo dự kiến của kế hoạch 5 năm 2011- 2015, đến năm 2015 phải bằng mọi cách, cái này là dự kiến chứ chưa phải thông qua chính thức, đưa tỷ lệ nhập siêu xuống 14%. Dự tính trong một vài năm sau năm 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thanh toán”.
Nguồn: Baocongthuong