Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều gì đang chờ Việt Nam khi trở thành "con hổ kinh tế" mới

 “Một tín hiệu rõ ràng cho thấy thành công lớn về phát triển của Việt Nam''...

Hãng tin Bloomberg cho rằng, Việt Nam - nền kinh tế “con hổ” mới nhất của châu Á - sẽ sớm nhận ra điều gì đang chờ khi trở thành thành viên của câu lạc bộ này.

Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp hơn 2 lần trong 8 năm qua, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao ở Đông Nam Á - khu vực tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, một trong những hệ quả của sự tăng trưởng này là đã đến lúc Việt Nam không còn đủ tiêu chuẩn để tiếp cận nguồn vốn phát triển từ các định chế quốc tế với lãi suất ưu đãi thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường.

Bloomberg cho biết, Việt Nam đã không còn là quốc gia được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới kể từ cuối tháng 6 năm nay, và hiện đang được xếp hạng là đối tượng vay vốn “hỗn hợp” (blend) tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - một bước rút khỏi vị trí là đối tượng được vay vốn hoàn toàn với lãi suất rẻ nhất.

Trong bối cảnh nguồn vốn ưu đãi bị cắt giảm, Việt Nam sẽ phải vay vốn nhiều hơn từ thị trường trái phiếu, từ đó làm gia tăng nguồn cung trái phiếu các quốc gia mới nổi mà các nhà đầu tư trên toàn cầu mạnh tay mua vào trong những năm gần đây.

“Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy thành công lớn về phát triển của Việt Nam. Nước này giờ đây đã là một quốc gia thu nhập trung bình”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Hà Nội, ông Sebastian Eckardt, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg. “Nhu cầu vốn cảu Việt Nam đang tăng nhanh chóng, và các nguồn vốn chính thức sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ, nên nguồn vốn huy động từ thị trường vốn sẽ phải chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn”.

Trao đổi với Bloomberg, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết, hiện nay, Việt Nam có kế hoạch mở rộng vay nợ bằng đồng nội tệ. Theo ông Long, thị trường trái phiếu trong nước có thể đáp ứng nhu cầu vốn “ở thời điểm hiện tại”.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đợt phát hành trái phiếu quốc tế.

Khoảng 70% trong tổng dư nợ trái phiếu 13,2 tỷ USD của Việt Nam hiện nay là trái phiếu phát hành trong nước, và phần còn lại là trái phiếu phát hành bằng đồng USD - theo dữ liệu của Bloomberg. Đợt phát hành trái phiếu USD gần đây nhất của Việt Nam diễn ra vào tháng 11/2014, với 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất cuống phiếu 4,8% được phát hành.

“Trong tương lai, có lẽ Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào thị trường trái phiếu quốc tế so với trước đây”, ông Mark Baker, Giám đốc đầu tư trái phiếu các thị trường mới nổi thuộc Standard Life Investments, nhận định.

Ông Baker cho biết, tháng trước ông đã bán ra trái phiếu USD đáo hạn năm 2024 của Việt Nam do “lợi nhuận quá tốt”, nhưng vẫn tiếp tục nắm giữ số trái phiếu USD đáo hạn năm 2020 của Việt Nam có lãi suất cuống phiếu 6,75%.

Cả ba hãng đánh giá tín nhiệm lớn nhất thế giới là Standard&Poor’s, Fitch và Moody’s đều đang xếp hạng nợ của Việt Nam ở mức “junk” (không khuyến nghị đầu tư). Định hạng này khiến trái phiếu của Việt Nam có lợi tức (yield - tổng lợi nhuận nhà đầu tư nhận được khi đầu tư vào trái phiếu) cao hơn so với trái phiếu của một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines. Đây đều là những nước được nâng hạng lên hạng đầu tư trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong thời gian từ 2005-2020, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 45 tỷ USD vỗn hỗ trợ phát triển.

Trong đó, trước năm 2010, thời hạn trả nợ trung bình đối với các khoản vay là từ 30-40 năm, lãi suất vay từ 0,7-0,8% mỗi năm, cộng thêm thời gian ân hạn. Khi thu nhập của Việt Nam tăng, các điều khoản cũng được thắt chặt: từ năm 2011-2015, lãi suất các khoản vay tăng lên 2%, thời hạn trả nợ rút ngắn còn từ 10-20 năm.

Khi các điều kiện ưu đãi không còn, lãi suất đối với các khoản vay hiện tại bị đẩy lên 3,5% mỗi năm, và thời hạn thanh toán bị rút ngắn một nửa.

Trong bối cảnh như vậy, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ VinaCapital Grouup, cho rằng ngoài việc phải vay vốn trái phiếu nhiều hơn, Việt Nam có thể sẽ phải tính đến việc bán tài sản và cải cách thuế. “Việt Nam có thể vay vốn trên thị trường quốc tế, nhưng nếu họ vay quá nhiều thì việc đó sẽ trở thành nguy hiểm”, ông Ho nói.

Tuy nhiên, theo ông Ho, việc không còn được vay vốn ưu đãi “là một tin tốt đối với Việt Nam”. Điều ngày đồng nghĩa với việc “các bạn đã làm tốt, các bạn đã được công nhận… giống như một đứa trẻ đã lớn lên vậy”.

Nguồn tin: vnEconomy

ĐỌC THÊM