Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc giảm lượng thép sản xuất?

Dĩ nhiên là cả thế giới ai cũng muốn Trung Quốc giảm dần công suất và sản lượng thép sản xuất vốn đang dư thừa trầm trọng, nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra, thì có lẽ cũng không hẳn là một điều hoàn toàn tích cực.

Sự biến động của thị trường thế giới trong thời gian vừa qua xung quanh việc Trung Quốc dư thừa công suất và sản lượng thép là một sự kiện hi hữu, khi lần đầu tiên trong lịch sử sự biến động của một mặt hàng trở thành đề tài tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu cách đây ít tuần.

Sự thừa mứa thép sản xuất của Trung Quốc đã khiến cả thị trường thế giới chao đảo, khiến cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) đã phải nâng mức trần áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc lên rất cao để bảo vệ ngành thép nội địa.

Vấn đề trở nên trầm trọng đến nỗi, thế giới đã coi những tác động từ sự dư thừa thép của Trung Quốc là điển hình cho những tác động mà sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới có thể gây ra. Dĩ nhiên là ai cũng muốn Trung Quốc giảm dần công suất và sản lượng thép sản xuất, nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra, thì có lẽ cũng không hẳn là một điều hoàn toàn tích cực.

Có thể dễ dàng hình dung ra quy mô thực sự của việc Trung Quốc dư thừa công suất nói chung và dư thừa thép nói riêng tác động tới thế giới cụ thể ra sao, thông qua những con số thống kê về sản lượng thép mà nước này sản xuất ra trong vài năm trở lại đây.

Theo ông Li Xinchuang, người đứng đầu ngành thép Trung Quốc, thì sản lượng thép của nước này đạt đỉnh vào năm 2014 ở mức 823 triệu tấn, cao hơn mức 779 triệu tấn vào năm 2013, và giảm xuống mức 804 triệu tấn vào năm 2015.

Theo ông Li, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm dần từ năm 2015, và sẽ giảm mạnh hơn trong giai đoạn 2016-2020. Dù vậy, sản lượng thép do Trung Quốc sản xuất ra vẫn lớn nhất thế giới và bỏ xa các nước xếp phía dưới. Lượng thép Trung Quốc sản xuất trong năm 2015 cao gấp 5 lần so với sản lượng của toàn châu Âu, gấp 7 lần Nhật Bản và chiếm hơn một nửa sản lượng thép toàn cầu.

Phần lớn lượng thép khổng lồ này sẽ do thị trường nội địa Trung Quốc tiêu thụ, đạt đỉnh vào năm 2014 ở mức 700 triệu tấn, đến năm 2015 giảm xuống còn hơn 650 triệu tấn. Phần còn lại chủ yếu dành cho xuất khẩu.

Theo thống kê, năm 2014 nước này xuất khẩu 82 triệu tấn thép, năm 2015 là 112 triệu tấn. Tính bình quân Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới khoảng 15% tổng lượng thép hàng năm, và khi kinh tế nước này giảm tốc dẫn đến nhu cầu sử dụng thép vào xây dựng hạ tầng sụt giảm nghiêm trọng, thì ước tính có thể dư thừa khoảng 300 triệu tấn thép mỗi năm - theo dự báo của Hiệp hội sắt thép Trung Quốc (CISA).

Đây là một con số khổng lồ, và có thể hoàn toàn khuynh đảo thị trường thế giới. Ai cũng muốn Trung Quốc cắt giảm sản lượng thép, nhưng điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa với một kết quả tích cực.

Trước hết, sự cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc sẽ dẫn đến việc nước này cắt giảm một loạt các ngành sản xuất khác có liên quan, mà điển hình là khai thác và xuất khẩu than. Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh giảm khoảng 10% sản lượng than khai thác, và khoảng thời gian hoạt động của công nhân khai thác than ở Trung Quốc hiện chỉ còn khoảng 276 ngày/năm so với mức trước đó là 330 ngày/năm.

Tính đến cuối tháng Tám, Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng đạt khoảng 150 triệu tấn than (tương đương với sản lượng than xuất khẩu của Colombia và Nam Phi cộng lại). Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm 500 triệu tấn than, tính đến năm 2020.

Việc Trung Quốc bắt đầu cắt giảm khá mạnh sản lượng khai thác than đang tạo ra những tác động nhất định, đặc biệt là với các ngành sản xuất sử dụng than ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nước sản xuất than lớn nhất thế giới, đạt sản lượng khoảng 3,75 tỉ tấn vào năm 2014 (nhiều hơn so với sản lượng của Mỹ, Ấn Độ, Úc và Indonesia cộng lại), một phần lớn lượng than khổng lồ này được sử dụng để cung cấp cho ngành sản xuất thép quy mô lớn ở Trung Quốc và ngành nhiệt điện (chiếm khoảng 70% nhu cầu điện năng của đất nước 1,3 tỉ dân này). Và khi Trung Quốc muốn cắt giảm sản lượng thép thì sản lượng than khai thác và xuất khẩu cũng giảm dần đi.

Các ngành sản xuất sử dụng than, đặc biệt là than nhiệt được sử dụng trong các ngành như luyện kim, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do tăng giá than. Giá than Newcastle tại thị trường châu Á đã tăng 40% kể từ đầu năm nay lên mức 72 USD/tấn. Loại than luyện kim được sử dụng trong ngành công nghiệp luyện thép đã tăng giá gấp đôi kể từ đầu tháng Bảy lên mức 200 USD/tấn.

Các nhà máy thép tại các nước trong khu vực, đặc biệt là tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ chịu tác động lớn từ sự tăng giá than quá mạnh này. Hiện cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều đang là những trung tâm luyện kim lớn tại khu vực châu Á, và việc loại than được sử dụng để luyện thép tăng giá gấp đôi sẽ khiến cho ngành luyện kim ở hai nước này bị ảnh hưởng nặng nề.

Điều này dẫn đến việc các sản phẩm được sản xuất từ thép cao cấp có thể bị tăng giá đáng kể, và qua đó tác động trực tiếp đến các ngành sử dụng thép cao cấp như đóng tàu, sản xuất máy bay hay thậm chí là các nhà máy sản xuất vỏ lon bia, không chỉ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà có thể lan rộng ra khu vực châu Á Thái Bình Dương hay thậm chí cả thế giới.

Nguồn tin: Motthegioi

ĐỌC THÊM