Trung Quốc hồi tuần trước tuyên bố đã vượt qua Nhật Bản để vươn lên chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố hôm 16/8 cho thấy, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự trở thành gã khổng lồ thứ hai thì điều gì sẽ xảy ra.
Mừng hụt!
Ngay từ tháng 7/2010, Trung Quốc đã công bố số liệu về tăng trưởng GDP của nước này. Trong quý II/2010, GDP danh nghĩa của Trung Quốc là 1.337 tỷ USD. Trong khi đó, kết thúc quý II, GDP danh nghĩa của Nhật Bản đứng ở mức 118.538 tỷ yên (tương đương 1.288 tỷ USD), ít hơn 49 tỷ USD so với Trung Quốc. Hồi tuần trước, ngay từ khi Nhật Bản chưa công bố số liệu trên, nhiều quan chức Trung Quốc đã khẳng định nền kinh tế của họ đã vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng khi Nhật Bản chính thức lên tiếng, thì dường như tuyên bố trên của Trung Quốc ngay lập tức bị phủ nhận. Mặc dù GDP danh nghĩa quý II/2010 của Nhật Bản thua Trung Quốc, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP của đất nước Mặt trời mọc đạt 2.578 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ là 2.532 tỷ USD, ít hơn 46 tỷ USD so với Nhật Bản.
Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới |
Như vậy, Nhật Bản cho thấy họ vẫn là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và vị trí của họ không dễ gì bị “đánh chiếm”.
Tuy nhiên, các số liệu công bố cũng cho thấy vị trí á quân của Nhật Bản đang bị lung lay nghiêm trọng. Trung Quốc đang bám đuổi sít sao và rất có thể vượt qua Nhật Bản khi họ đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ngày 12/8 vừa qua, Trung Quốc cũng chính thức tuyên bố họ chiếm vị trí độc tôn về sản xuất ô tô và thép. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, Trung Quốc có thể vượt Nhật Bản ngay trong năm 2010 này.
Trung Quốc đang bám đuổi sít sao Nhật Bản trong cuộc chạy đua tới ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới |
Các số liệu thống kê do Chính phủ Nhật Bản công bố sáng 16/8 cho thấy nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chững lại do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng đang chậm lại, trong khi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với căn bệnh thiểu phát và tình trạng đồng yên tăng giá một cách bất thường so với USD. Bình luận về các số liệu thống kê trên, Thư ký Quốc hội của Văn phòng Nội các Nhật Bản Keisuke Tsumura đã cảnh báo nền kinh tế nước này có thể đang chững lại khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chỉ tăng 0,4% trong quý II/2010. Phát biểu với các phóng viên, ông nói: “Một số người cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể đang đi ngang”.
Tuy nhiên, ngay lập tức, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Satoshi Arai đã bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng các số liệu GDP cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang tiếp tục phục hồi một cách vững chắc dù vẫn phải cẩn trọng với các nguy cơ suy thoái như những bất ổn ở các nền kinh tế và thị trường tài chính xung quanh.
Trong khi đó, ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-Ichi, cho rằng sức phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản đang yếu dần. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, các chuyên gia kinh tế đang theo dõi chặt chẽ số liệu GDP danh nghĩa của nước này để xem liệu Nhật Bản đã để mất danh hiệu “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới” vào tay Trung Quốc hay chưa.
Thế thì sao?
Việc hai nền kinh tế lớn ở Đông Á đang cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí thứ hai thế giới được nhiều nhà phân tích quan tâm. Vậy cứ cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để chiếm vị trí á quân thì điều gì xảy ra.
Đối với các nhà kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như không có ý nghĩa gì. Lý do là xét về sức mua – một chỉ số kinh tế quan trọng hơn - Trung Quốc đã vượt Nhật Bản cách đây gần 1 thập kỷ; và khi GDP danh nghĩa của Trung Quốc tính bằng đồng USD được xác định là vượt Nhật Bản, nó chủ yếu là nhờ yếu tố tỷ giá và sự điều chỉnh các số liệu thống kê.
Ví dụ, nếu xây hai căn nhà giống hệt nhau ở hai nước, sử dụng cùng một loại vật liệu và nhân công, thì ngôi nhà ở Nhật Bản sẽ tạo ra một lượng GDP lớn gấp ba lần ở Trung Quốc, bởi mọi thứ ở Nhật Bản đều đắt đỏ hơn.
Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu, sản xuất ô tô và thép lớn nhất thế giới. |
Nhưng đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản để chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng, bởi nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu.
Sự kiện trên cũng quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc cũng như mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia khác, bởi sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới soi mói nhiều hơn và mong mỏi một trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Arthur Kroeber, Giám đốc Điều hành của công ty tư vấn Dragonomics nói: “Trung Quốc bấy lâu vẫn duy trì chính sách ngoại giao ở mức vừa phải, nhưng giờ nước này đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sẽ là nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới trong năm sau. Những dấu mốc đó khiến Trung Quốc không còn nhiều chỗ để trốn. Trung Quốc vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho vai trò mới và sẽ tìm cách trì hoãn càng lâu càng tốt”.
Đồng NDT đang thách thức đồng bạc xanh của Mỹ? |
Trung Quốc đang ngày càng khôn ngoan biến sức mạnh kinh tế đang lên của mình thành ảnh hưởng chính trị và ngoại giao, nhất là ở những khu vực như Mỹ Latinh và châu Phi, nơi nhiều người không thích các chính sách và sự hiện diện của các nước Phương Tây. Sở hữu lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Bắc Kinh từ lâu đã công khai thách thức vai trò của đồng USD như là đồng tiền dự trữ toàn cầu và còn đi đầu phong trào đòi hỏi sự hiện diện công bằng hơn trong các tổ chức toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên các quan chức ở Bắc Kinh vẫn khăng khăng Trung Quốc là một nước đang phát triển và không thể đi đầu trong các sáng kiến toàn cầu hoặc đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn như giảm khí thải cacbon hay thả nổi đồng tiền để tái cân bằng nền thương mại thế giới. Họ viện dẫn GDP trên đầu người của nước này mới chỉ đạt khoảng 3.600 USD, chưa bằng 1/10 của Nhật Bản hay Mỹ và chưa bằng 1/6 của Pháp và Anh.
Một số chuyên gia Trung Quốc còn lưu ý tới chất lượng tăng trưởng thấp của nước này so với các nước khác. Giám đốc Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ông Yi Xianrong, nói: “Kể từ năm 2003, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dựa vào hai trụ cột chính: xuất khẩu và bất động sản. Trong khi xuất khẩu mang lại một số lợi ích xét về hiện đại hóa, thì bất động sản gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tăng trưởng trên thị trường bất động sản dựa trên sự quản lý đất đai yếu kém và đầu cơ, khiến giá nhà ở tăng vọt và một quả bong bóng bất động sản cuối cùng sẽ nổ tung”.
Sự phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải có trách nhiệm với nhiều vấn đề quốc tế. |
Ông Yi cũng chỉ ra khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và sự mất cân đối về địa lý trong tăng trưởng kinh tế giữa các vùng ven biển giàu có và khu vực nội địa chậm phát triển.
Ông Yi nói: “Khi nói về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, chúng ta cần thận trọng tránh nói quá. Tăng trưởng GDP nhanh sẽ không có ý nghĩa nếu những mất cân đối này không được giải quyết”.
Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell, từng là cựu trưởng ban Trung Quốc thuộc IMF, cho rằng một câu hỏi quan trọng được đặt ra đó là: Liệu Trung Quốc sẽ chấp nhận những trách nhiệm đi kèm với một cường quốc kinh tế hàng đầu ngay cả khi nước này vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình? Vị giáo sư này cho rằng: “Từ vấn đề tỷ giá và chính sách thương mại tới biến đổi khí hậu, chính sách kinh tế của Trung Quốc giờ đây tác động quy mô toàn cầu và nước này cần phải nhìn xa hơn lợi ích quốc gia của mình”.
Nguồn: BEE