Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Điều kiện kinh doanh bị 'chặt khúc', doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

 Mặc dù đã đạt được thành tích tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm nhưng ngành lúa gạo vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và rào cản về chính sách khiến năng lực cạnh tranh bị giảm sút.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Vẫn còn bất cập

Không thể phủ nhận, suốt một thời gian dài, Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã giúp cải thiện tình hình lộn xộn về xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cùng với đó, những quy định khắt khe của Nghị định này còn giúp sàng lọc và loại bỏ các thương nhân không có thực lực cũng như định hướng thương nhân đầu tư lâu dài.

Tuy nhiên, sau 7 năm áp dụng vào thực tiễn, đến nay Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã có những bất cập cần phải thay đổi cho phù hợp. Nhưng, “chỉnh sửa” hay “làm mới” đang là vấn đề được nhiều ý kiến đưa ra và đề nghị Chính phủ cân nhắc. Bởi, nếu thiếu công cụ quản lý hiệu quả thì ngành kinh doanh nhạy cảm như xuất khẩu gạo dễ trở nên bát nháo. Nhưng nếu “bó” quá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương nhân và tác động tiêu cực trở lại.

Theo giới phân tích, thời gian qua, Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã giải quyết cơ bản những bất cập tồn tại nhiều năm trong việc thu mua, tiêu thụ thóc gạo và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Thế nhưng, các điều kiện về kho bãi, vùng nguyên liệu, điều kiện hợp đồng đã trở nên hình thức hoặc trở thành rào cản đối với thương nhân.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh, nếu dựa theo quy định hiện nay thì cách tiếp cận để định ra các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo bị “chặt khúc” theo từng tác nhân chứ chưa dựa trên nền tảng mối quan hệ của chuỗi giá trị lúa gạo, mà xuất khẩu chỉ là đầu ra.

Điều này khiến các doanh nghiệp phải gồng mình, đầu tư từ vùng nguyên liệu, năng lực chế biến, kho chứa đến xuất khẩu, không phát huy tính chuyên môn hóa theo thế mạnh của từng doanh nghiệp rồi liên kết lại.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Trần Hữu Hiệp cho biết, chẳng hạn như doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau) là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều kiện theo quy định.

Ngoài ra, một số thương nhân khác lại có thế mạnh về khách hàng, thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo nên cũng được xếp vào loại không đủ điều kiện.

Một bất cập nữa cũng được đặt ra là Nghị định số 109 buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Trong khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ này thông qua việc liên kết với một doanh nghiệp chuyên ngành mà không nhất thiết bỏ vốn đầu tư tốn kém.

Do đó, dự thảo Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã được Bộ Công Thương điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn khi thị trường do người mua quyết định và tình trạng mất cân đối cung - cầu.

Tuy nhiên, những khó khăn này bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.

Hoàn thiện thể chế

Bộ Công Thương cho biết, năm 2017 sẽ có sự đổi mới thật sự mạnh mẽ cả về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn nhằm phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng thành công thương hiệu gạo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để làm được điều này ngành lúa gạo sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn. Vì vậy, ngành gạo Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện những yếu kém nội tại như sản xuất còn manh mún, khâu chế biến chưa bảo đảm tính liên tục và đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo kiến nghị của Công ty TNHH xuất khẩu lương thực Khiêm Thanh, dự thảo Nghị định mới cần tạo điều kiện, hỗ trợ để giữ uy tín và chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định qua liên kết với nông dân, cũng như tạo điều kiện mở rộng hệ thống phân phối ở nước ngoài. Đặc biệt hơn cả là phải bình đẳng, công bằng và đảm bảo quyền lợi để các doanh nghiệp tự xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An bày tỏ, dự thảo Nghị định mới cần đưa ra chính sách thuận lợi giúp các doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiến tới việc xây dựng thương hiệu gạo chung.

Đặc biệt, cần có biện pháp kiểm soát, loại trừ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc giảm giá bán, thiếu ổn định về chất lượng của một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng chung tới hoạt động xuất khẩu gạo.

Các chuyên gia thương mại cho rằng, để xuất khẩu gạo phát triển bền vững, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài việc hỗ trợ từ phía Nhà nước, các Bộ, ngành địa phương rất cần sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để tạo ra bước đột biến đưa hạt gạo mang thương hiệu Việt Nam tương xứng với vị thế mới của đất nước.

Nguồn tin: TTXVN

ĐỌC THÊM