Giai đoạn vừa qua, thị trường thép cạnh tranh rất khốc liệt, DN nào cũng cố gắng tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy đã xảy ra tình trạng manh mún, thép đến công trình giá không chuẩn, chất lượng gian dối.
Mặc dù, thép ngoại chỉ đánh được vào các công trình dân dụng, nhà thầu nhỏ lẻ hoặc ở vùng sâu, vùng xa không quan tâm đến chất lượng, chỉ nghĩ đến giá cả nên đó cũng là trở ngại lớn. Giá thép trong nước do chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chi phí nguyên liệu, giá điện, dầu tăng, tỷ giá biến động, chi phí lãi vay... nên không thể có giá thành rẻ hơn so thép nhập khẩu. Chính vì thế, các nhà sản xuất trong nước, phải chọn cho mình hướng đi mới, nâng cao chất lượng công nghệ, để sản phẩm tiêu thụ trên thị trường đa dạng hơn, chất lượng được cải tiến tốt hơn, từ đó tăng tính cạnh tranh so với thép ngoại không rõ nguồn gốc và không qua cơ quan nào kiểm định chất lượng. Các DN trong nước phải công bố bộ tiêu chuẩn sản phẩm và sản xuất theo đúng tiêu chuẩn công bố, có sự kiểm tra nghiêm ngặt sản phẩm xuất ra thị trường nhằm tạo sự yên tâm tuyệt đối cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, hầu hết các sản phẩm thép do các DN thép VN cung ứng trên thị trường, được chuẩn hóa, giám định bằng việc dán nhãn mác của nhà máy cung ứng.
DN vì sự sống còn, cần cố gắng đầu tư chất lượng, nhưng chỉ DN nỗ lực không thì không đủ. Theo tôi về phía chính phủ cần có lãi suất ngân hàng tốt để nhà sản xuất nội địa có giá thành hợp lý sản phẩm, đồng thời những hàng hóa Đông Nam A có thuế suất 0% thì cần được kiểm tra chặt chẽ hơn xem thử mức độ chung thực có đáng để hưởng mức lãi suất đó không, từ đó không gây bất lợi cho các DN sản xuất trong nước... Hiện nay, các nhà máy thép tại VN đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy sản xuất, thép Pomina xây dựng quy trình sản xuất luyện cán với công nghệ luyện Consteel Techint và công nghệ cán Siemens-Vai nhập khẩu từ Châu Âu, Vinashin đầu tư nhà máy luyện kim 300 000 tấn/năm... Qua đó, phần nào giúp cho quá trình sản xuất thép phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm tối đa chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm... từ đó cải thiện được phần nào giá thành sản phẩm. Các chuyên gia nhận định, với việc khẳng định chất lượng, cải thiện giá thành so với thép nhập khẩu, cùng với sự thông thoáng hơn về chính sách của chính phủ, ngành thép VN sẽ giữ vững được thị trường nội địa, từ đó mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực trong thời gian tới.
(DĐ DN)