Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN điêu đứng, Nhà nước thất thu hàng triệu USD vì thép Trung Quốc

Trong vòng 2 tháng, hơn 65.000 tấn phôi thép Trung Quốc gian lận, cố tình ghi sai mã nhập khẩu để hưởng thuế suất 0% tuồn vào Việt Nam đã khiến cho Nhà nước thất thu hàng triệu USD, các doanh nghiệp trong nước điêu đứng.

Trá hình để né thuế

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 9, có hơn 1,1 triệu tấn phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá trên 421 triệu USD. Trong đó, phôi thép Trung Quốc là chủ yếu, chiếm 75%.

Đáng chú ý, hiện nay có một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa Crom với mã HS 7224.90.00 nhằm né thuế, hưởng lợi.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, về bản chất, mặt hàng phôi thép nói trên chứa hàm lượng rất nhỏ Crom không khác gì với phôi thông thường và vẫn dùng để cán thép xây dựng thông dụng. Do đó, lẽ ra phải chịu mức thuế 9% như quy định thì các doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình sản xuất đã “phù phép” phôi thép thông thường thành phôi thép hợp kim để hưởng thuế 0%.

Đáng báo động là lượng phôi thép hợp kim “trá hình” này nhập về nước ta chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại đang ngày càng tăng lên.

Chỉ tính riêng trong tháng 9, số phôi thép nhập về là 62.000 tấn trị giá trên 20 triệu USD, tăng gấp 20 lần so với tháng trước đó 3.100 tấn.

Theo dự báo, trong các tháng cuối năm nay, lượng thép nhập về sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Truy thu thuế và phạt nặng

Sản phẩm thép có chứa hợp kim của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam, ngoài việc được chính phủ nước này hoàn thuế, khi vào Việt Nam lại được hưởng thuế 0% nên có giá bán rất thấp. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép trong nước.

Với hơn 65.000 tấn phôi thép từ Trung Quốc nhập về trong tháng 8 và tháng 9 đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước 1,89 triệu USD (tương đương khoảng 42 tỷ đồng), thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết.

Việc này nếu không kịp thời ngăn chặn thì phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Khả năng sẽ vượt qua con số 200.000 tấn/tháng như lượng nhập khẩu bình quân năm 2015. Gây thất thu lớn cho ngân sách.

Không chỉ gây thất thu lớn cho Nhà nước, thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc còn khiến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bị đe dọa.

Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, hiện nay công suất sản xuất phôi thép trong nước đạt gần 11 triệu tấn, các doanh nghiệp mới chỉ sản xuất 60% công suất. Do đó, lượng lớn phôi thép ào về Việt Nam như hiện nay sẽ khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, bán dưới giá thành để có thể cạnh tranh và duy trì sản xuất, gây thua lỗ nặng.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội thép Việt Nam vừa có đề nghị các bộ, ngành liên quan tiến hành vào cuộc kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu phôi thép Trung Quốc.

“Các cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu thép hợp kim nhưng chỉ sử dụng vào các mục đích thông thường, trong đó phôi thép hợp kim. Tạm dừng nhập khẩu phôi thép hợp kim chứa Crom với mã HS 7224.90.00 để kiểm tra. Nếu phôi thép được sử dụng với mục đích làm thép xây dựng thì đề nghị truy thu thuế, xử phạt nặng các đơn vị nhập khẩu”, Hiệp hội thép Việt Nam, nêu.

Ngành thép và Vật liệu xây dựng liên tục gặp khó

Thời gian qua, lượng thép xuất khẩu trong nước giảm mạnh. Ngành thép Việt Nam liên tục gặp khó do phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, sức ép từ nguồn cung dư thừa và không ít vụ kiện phòng vệ thương mại.

Kể từ tháng 6/2011 đến nay, các sản phẩm thép Việt Nam đã bị khởi kiện 14 lần về chống bán phá giá, trong đó có 1 vụ về lẩn tránh chống bán phá giá; 3 vụ kiện chống trợ cấp và 7 vụ áp dụng biện pháp tự vệ.

Một số nước hay khởi kiện sản phẩm thép của Việt Nam trong khối ASEAN là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Số nước còn lại là Mỹ, Canada, Úc, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU28. Các sản phẩm bị kiện gồm: mắc áo, đinh, lưới, ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu.

Nguồn tin: Cafeland

ĐỌC THÊM