TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách khuyến cáo: “Ngay từ lúc này, DN đã phải tìm hiểu để tìm đường đi nước bước cho mình. Gia nhập một tổ chức thương mại nào đó đơn giản là mình phá bỏ hàng rào nhà mình cho người khác vào chơi, nhưng vấn đề đặt ra là mình vẫn phải chủ động có một góc trong sân chơi đó”.
Ảnh minh họa |
“Đại đa số các DN ngành thép hiểu biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) còn lơ mơ”, Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chia sẻ tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2014, diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội. Nhưng ông Khải còn cho rằng, hiểu biết lơ mơ về AEC không chỉ là cá biệt đối với các DN ngành thép mà là hiện trạng chung của nhiều DN Việt Nam hiện nay.
Ông dẫn giải, đang còn phải lo ăn hai bữa, nếu hỏi bạn có quan tâm đến du lịch không, có quan tâm đến âm nhạc không thì đương nhiên là nói có, nhưng chưa có thời gian để tìm hiểu sâu. Các DN hiện nay cũng vậy, trong 2 năm kinh tế khó khăn vừa qua, họ mải vật lộn với việc sống còn nên ít có thời gian nhìn xa, trông rộng. Ví như với ngành thép, thách thức ngay trước mắt là thị trường không sôi động. Người mua lớn nhất của ngành là Nhà nước, từ nguồn vốn đầu tư công, thì đang giảm mạnh. Nhiều nhà máy phôi thép chỉ hoạt động 60% công suất, cán thép cũng chỉ đến 70%. Trong khi đó, DN phải đối phó với thép nhập khẩu của Trung Quốc. Khi các DN còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc đấu tranh sinh tồn, chuyện AEC vì thế đành gác lại.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến cáo, DN không nên thờ ơ như vậy. “Ngay từ lúc này, DN đã phải tìm hiểu để tìm đường đi nước bước cho mình. Gia nhập một tổ chức thương mại nào đó đơn giản là mình phá bỏ hàng rào nhà mình cho người khác vào chơi, nhưng vấn đề đặt ra là mình vẫn phải chủ động có một góc trong sân chơi đó”, ông Thành nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với những ngành nhạy cảm như ô tô, đường… mặc dù hiện nay vẫn đang được bảo hộ, song khi hội nhập, Chính phủ cũng không bao bọc mãi được. Một số các mặt hàng đến năm 2018 mới dỡ bỏ hàng rào thuế quan, đưa mức thuế về 0%, nhưng DN không thể khoanh tay đến ngày đó rồi mới tính.
Nhìn lại hoạt động kinh tế thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong một thập kỷ qua, nếu nói về con số tuyệt đối thì kim ngạch thương mại đã tăng hơn 4 lần, từ 9 tỷ USD năm 2003 lên đến 40 tỷ USD vào năm 2013. Năm ngoái, ASEAN là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó; 3 tháng đầu năm nay, con số này cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt 4,7 tỷ USD.
“Nhưng, tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN của Việt Nam đang có xu hướng chậm lại. Một trong những lý do là các ưu thế về xuất khẩu đối với thị trường truyền thống có vị trí địa lý gần gũi này chưa được tận dụng tối đa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý. Lý do có phần đến từ việc các ưu đãi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chưa được tận dụng tối đa.
Phó cục trưởng Trần Thanh Hải cho biết: “Nếu không cải thiện được về quy tắc xuất xứ, dù hàng rào thuế quan có được loại bỏ theo ATIGA, cơ hội hưởng lợi của DN Việt Nam bằng không”. Cụ thể hơn, ông cho biết, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA, DN phải đảm bảo được 40% hàm lượng sản phẩm được làm từ các nước ASEAN. DN không biết và không tìm hiểu về quy tắc xuất xứ này thì dù có tham gia hiệp định, thuế nhập khẩu với các hàng hóa của DN Việt Nam vẫn bị áp ở mức cao.
Cần phải chuẩn bị cho ngày mở cửa AEC, nhất là khi nó đang quá cận kề, nhiều chuyên gia có chung khuyến cáo. Bởi, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, DN không chỉ không tận dụng tối đa các cơ hội mà hiệp định đem đến, mà còn có thể dẫn đến nguy cơ triệt tiêu một số ngành hay DN trong cuộc chơi cạnh tranh mới. Ví dụ mà ông Nguyễn Đức Thành đưa ra khá ấn tượng, đó là sau khi Cộng hòa Séc gia nhập Liên minh châu Âu (1/5/2004), hệ thống ngân hàng nội địa đã biến mất, thay vào đó là hệ thống các ngân hàng nước ngoài.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập sâu sắc trong ASEAN nói riêng không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, yếu tố then chốt quyết định thành công là sự chủ động tham gia của cộng đồng DN. Thừa nhận quan điểm này, song đại diện Hiệp hội điện tử Nguyễn Văn Thành cho rằng, một hành lang pháp lý tạo ra môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với DN hiện nay. Bởi như với DN mà ông đang quản lý là Công ty xuất khẩu Bình Hòa, DN chuyên sản xuất các mặt hàng biến thế, dây cuộn… đã có sản phẩm xuất khẩu sang ASEAN, thời gian qua chính sách cũng là một hạn chế cho DN đi sâu vào thị trường.
Nguồn tin: Nganhang