Với khối lượng thép mỗi lô hàng nhập khẩu rất lớn, nhưng do vướng về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nên các doanh nghiệp thép kêu tốn chi phí, thời gian cho việc thực hiện yêu cầu này.
Tại hội thảo "Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK" được tổ chức vào cuối tuần qua tại TP.HCM, các doanh nghiệp ngành thép tham dự khá đông và họ đã bày tỏ nỗi bức xúc khi có nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành còn bất hợp lý.
Khá bức xúc về quy định đối với việc kiểm tra chuyên ngành đối với thép cán nóng nhập khẩu, ông Nguyễn Đình Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Thép Đại Thiên Lộc cho rằng, Thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31-12-2013 ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu thép. Theo đó, mặt hàng thép nhập khẩu về cảng, doanh nghiệp phải làm đăng kí tại Trung tâm 3, trong vòng 30 ngày phải nộp kết quả giám định. Đối với 1 lô thép cán nóng 20.000 tấn, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp mất 1,7 tỷ đồng cho chi phí lưu kho, bãi, vận chuyển nội cảng. Theo ông Nghĩa, qua công tác kiểm tra chất lượng hầu hết đạt tiêu chuẩn nhập khẩu, việc kiểm định này dễ tạo nên việc tiêu cực.
Từ thực tế trên, ông Nghĩa đề nghị, Nhà nước nên có hàng rào kĩ thuật để bảo vệ chứ không nhất thiết lô hàng nào doanh nghiệp nhập khẩu về cũng đưa đi kiểm tra.
Cùng quan điểm này, ông Đinh Công Khương, Phó Giám đốc Công ty thép Khương Mai chia sẻ, Thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31-12-2013 ra đời khiến ngành thép gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay, chỉ tính riêng chi phí cắt mẫu và chi phí không chính thức phục vụ cho việc làm thủ tục, trung bình 1 tấn thép là 20.000 đồng, trong khi đó, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 600.000 tấn thép các loại.
Theo ông Khương, không chỉ tốn về chi phí kiểm tra chất lượng, do thời gian kiểm tra chuyên ngành kéo dài, có những lô hàng, kiểm tra 4-5 tháng mới có kết quả, ngoài việc phải chịu phí lưu kho, bãi, doanh nghiệp còn phải chịu rất nhiều tổn thất. Chẳng hạn, trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp không bán hàng được, thép xuống giá DN phải chịu thiệt.
Trên thực tế, các nhà máy thép trên thế giới đầu tư 5-6 triệu USD, chất lượng thép đạt tiêu chuẩn cao, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam vẫn phải kiểm tra chất lượng cho thấy không phù hợp- ông Khương nhận định.
Không chỉ vướng từ Thông tư 44, theo các doanh nghiệp ngành thép, mới đây, tháng 6-2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 12/2015/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, quy định này "đẻ" ra giấy phép con về nhập khẩu thép. Các DN trong khu chế xuất nhập nguyên liệu thép vào để sản xuất xuất khẩu nhưng lại thuộc loại hình gia công xuất khẩu, nên không thuộc đối tượng điều chỉnh miễn quy định tại thông tư này.
Muốn được miễn, doanh nghiệp phải đi chứng nhận giấy phép kinh doanh, nhưng Sơ Công Thương lại cho rằng Ban quản lý các khu chế xuất phải chứng nhận. Trong khi đó, giấy chứng nhận này lại không được cơ quan Hải quan chấp nhận…
Các doanh nghiệp cũng phản ánh, hiện nay, ngành Hải quan đã thực hiện thông quan tự động, các khâu khai báo, nộp thuế, thông quan khá thông thoáng, tuy nhiên do phải thực hiện theo các văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành, nên hàng hóa bị phân vào luồng Đỏ rất nhiều, DN tốn thêm nhiều chi phí và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa…
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án USAID GIG cho rằng, qua kết quả khảo sát đối với hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng thép, dây thép hiện quy định tại Thông tư 44/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31-12-2013 kéo dài từ 2 - 4 tuần.
Trả lời phản ánh của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp do phát sinh từ chính sách. Bộ sẽ ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để xem xét thay đổi cho phù hợp. Riêng đối với Thông tư 12 về cấp phép nhập khẩu thép tự động, Bộ Công Thương đang dự thảo văn bản điều chỉnh về việc NK thép của DN chế xuất…
Nguồn tin: Hải quan