“Lỗ liên tiếp” là nỗi ám ảnh của hàng loạt DN thép trong mấy năm qua. Khi tín hiệu thị trường được dự báo chưa có dấu hiệu khởi sắc trong năm 2014, tiết giảm chi phí sản xuất là một giải pháp hàng đầu mà các DN thép sẽ phải hướng tới.
Lỗ do trích lập công nợ
Là một DN đứng đầu trong ngành thép, tuy nhiên Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) cũng không thoát khỏi tình trạng thua lỗ liên tiếp 2 năm liền. Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc VNSteel cho hay, có đến 4/7 chi nhánh trực thuộc công ty mẹ bị lỗ; chỉ có 6/13 công ty con làm ăn có lãi với số lợi nhuận trước thuế là 94,3 tỷ đồng; khối công ty liên kết có 20/29 công ty có lãi với số lợi nhuận trước thuế là 885,6 tỷ đồng. Theo ông Hưng, nguyên nhân khiến các DN ngành thép thua lỗ nặng là do việc trích lập công nợ khó đòi. Ví dụ như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên lãi trong sản xuất được 50 tỷ đồng, nhưng khi trích lập công nợ từ các năm trước đã có số lỗ lên tới 320 tỷ đồng; Công ty CP Kim khí Hà Nội cũng lỗ trong sản xuất khoảng 8 tỷ đồng và trích lập thêm công nợ nên có mức lỗ là 38 tỷ đồng; Công ty Tôn Thăng Long lỗ 9 tỷ đồng và còn một loạt các DN liên doanh liên kết khác bị lỗ.
Ngoài khó khăn về trích lập công nợ, ông Vũ Bá Ổn, Phó Tổng giám đốc VNSteel còn chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khác khiến cho các DN thép rơi vào tình trạng lỗ trầm trọng này. Theo đó, do thị trường bất động sản vẫn còn đóng băng, đầu tư công cắt giảm khiến cầu thép xây dựng giảm sụt mạnh. Đặc biệt, trong năm 2013, giá bán thép đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, trong khi đó giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như điện, gas, xăng dầu… đều tăng khiến các DN gặp thêm nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tình trạng thua lỗ của hàng loạt DN thép còn đặt trong bối cảnh nguồn cung các sản phẩm thép vẫn đang tiếp tục dư thừa, trong khi nhu cầu tiêu thụ không được cải thiện. Một số dự án sản xuất thép lớn đã đi vào hoạt động, sản phẩm được đưa vào thị trường làm cho cung cầu thép thị trường nội địa mất cân đối, như thép Hòa Phát đưa ra thị trường 500.000 tấn, thép Việt Mỹ với 250.000 tấn khiến cho thị trường càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Cùng với đó, áp lực thép NK giá rẻ từ Trung Quốc tác động lớn đối với các DN ngành thép Việt Nam. “Trong năm 2013 vừa qua, nhu cầu dùng thép trong xã hội vẫn giữ ở mức khá thấp, ước tính cung luôn vượt gấp đôi cầu”, ông Hưng nhìn nhận.
Kế sách tiết giảm chi phí
Năm 2014, theo dự báo của các DN cũng như giới chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, giá vật tư nguyên nhiên liệu đầu vào khó dự đoán, cung lớn hơn cầu, lại thêm ảnh hưởng của thép nhập ngoại nên việc tiêu thụ sẽ càng khó khăn hơn. Do vậy, các DN đã phải lên kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Ông Tạ Trung Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Thép miền Nam cho hay, để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, DN đã tiến hành áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để giảm tiêu hao nhiên liệu điện, dầu… Điều này đã giúp cho Thép miền Nam giảm chi phí 1,3 triệu đồng/tấn trong luyện thép; giảm giá thành sản xuất cán thép 1,4 triệu đồng/tấn. Biện pháp này sẽ được Công ty Thép miền Nam tiếp tục áp dụng trong năm 2014.
Tiết kiệm, tạo đột phá trong giảm giá thành là một “chiến lược” mà Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang tính để duy trì và ổn định hiệu quả hoạt động. Ông Trần Văn Khâm, Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nhận định, với đặc thù thị trường hiện đang hình thành mặt bằng giá thép khá thấp, nên Gang thép Thái Nguyên đã giao khoán giá thành cho các chi nhánh trên cơ sở tính ngược từ giá bán sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhằm tạo sức ép chung cho toàn hệ thống. Những quy chế mua sắm vật tư nguyên phụ liệu, phụ tùng sản xuất cũng được triển khai nhằm đảm bảo kiểm soát tốt giá, chất lượng, tồn kho và giảm chi phí tài chính.
Ngoài những “chiến lược” mang tính đột phá trên, một số DN còn tập trung vào công tác quản trị. Theo ông Hoàng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc Công ty Thép Thủ Đức, trước đây, DN chỉ chú trọng đến quản trị sản xuất nội tại, tức là đưa ra các tiêu chí giảm tiêu hao chi phí sản xuất mà không chú trọng đến quản trị đầu vào, đầu ra. Trong khi đó, việc quản trị đầu vào giúp DN kiểm soát được nguồn mua nguyên phụ liệu, đánh giá lúc nào cần mua, chất lượng nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất và giảm tiêu hao. Ngược lại, việc đánh giá đúng thị trường, đánh giá đúng giá trị sản phẩm thật của mình, tức quản trị đầu ra, cũng mang lại lợi ích rất lớn cho DN.
Nguồn tin: Hải quan