Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN thép đối mặt khó khăn

Cúp điện và gánh nặng lãi suất tín dụng là hai vấn đề khó khăn lớn nhất trong năm 2011 của các doanh nghiệp sản xuất thép
 
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 25-1 thị trường tiếp tục ảm đạm, thanh khoản xuống thấp, tổng giá trị giao dịch hai sàn chỉ đạt 1.430 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước. Trong nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thép không có mã nào tăng mà tất cả đều bị giảm giá.
 
Nhà máy sẽ bị... nghỉ việc
 
Việc sản xuất thép (cán và luyện) đòi hỏi tiêu tốn nhiều điện năng từ lưới điện quốc gia. Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu không huy động được tối đa sản lượng nhiệt điện thì trong 6 tháng mùa khô này, sản lượng điện thiếu hụt có thể tăng lên 6 tỉ KWh, cao nhất từ trước tới nay.
 
Do vậy sẽ xảy ra việc cúp điện trên diện rộng. Điều đó có nghĩa là các nhà máy sản xuất thép sẽ phải tạm nghỉ việc nhiều ngày, sản lượng thép sẽ giảm sút.
Mặt khác, có thể từ ngày 1-3 tới, giá điện sẽ tăng lên khá nhiều, làm cho các DN sản xuất thép phải tăng chi phí, giá thành sản phẩm đội lên.
 
Bộ Công Thương cho biết do ngành thép phát triển tràn lan, tiêu tốn nhiều năng lượng nên chỉ những DN đầu tư nhà máy theo quy hoạch mới được ưu tiên cung cấp điện.
 
Hiện giá điện cung cấp cho các DN sản xuất thép tại Việt Nam chỉ rẻ bằng 1/2 so với các nước trong khu vực. Vì vậy, nhiều DN nước ngoài đã lợi dụng rót vốn vào đầu tư xây nhà máy thép tràn lan, tiêu tốn nhiều sản lượng điện, gây ô nhiễm môi trường. Thông điệp đó cho thấy có thể trong tương lai gần, chính sách quản lý, cung ứng điện cho ngành sản xuất thép có thể bị siết chặt.
 
Oằn vai gánh nặng nợ nần
 
Các DN sản xuất thép niêm yết trên sàn có đặc điểm chung là vay nợ nhiều (gấp 1 – 2 lần so với vốn chủ sở hữu) nên trong điều kiện lãi suất quá cao như hiện nay, nợ đang là gánh nặng làm giảm lợi nhuận của DN.
 
Đối với khoản vay USD để đầu tư thiết bị, nhập nguyên liệu, thời gian gần đây do tỉ giá lên cao và lãi suất cũng tăng mạnh làm cho khoản nợ ngoại tệ trở thành gánh nặng.
 
 
Giá thép tăng cao nhưng doanh nghiệp khó lãi nhiều. Ảnh: TẤN THẠNH
 
 
Bản giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ 61 tỉ đồng trong quý IV niên độ tài chính 2009 – 2010, Công ty Tôn Hoa Sen cho biết chỉ riêng chi phí tài chính đã tăng thêm 64 tỉ đồng so với cùng quý năm trước, trong đó chủ yếu do tăng trả lãi vay và tỉ giá USD điều chỉnh.
 
Đối với các DN khác như Hữu Liêm Á Châu, Thép Việt Ý, Thép Tiến Lên... do nợ nhiều, phải trả lãi vay lớn, giá thép biến động thất thường nên thời gian gần đây tất cả đều giảm mạnh lợi nhuận.
 
Do lợi nhuận đi xuống, khó khăn tăng lên nên giá cổ phiếu ngành thép hiện ít được ưa chuộng. Mới đây, Công ty Thép Tiến Lên đã phải hủy kế hoạch bán 8,2 triệu cổ phiếu vì không có người mua.
 
Giá tăng nhưng khó lãi nhiều
 
Trong mấy ngày qua, giá thép trong nước và thế giới tăng mạnh. Đối với thế giới, việc tăng giá chủ yếu là do lũ lụt lớn kéo dài tại vùng Queensland, Úc (nơi chiếm 50% nguồn cung than cốc cho khu vực châu Á), đã làm gián đoạn nguồn cung than cốc (nguồn nguyên liệu chính dùng luyện phôi thép) khiến các nhà đầu cơ lo sợ nên tăng cường tích trữ thép làm cho giá thị trường tăng cao đột biến.
 
Mặt khác, vì nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng khoảng 20% trong 2 tháng qua cũng góp phần đẩy giá quặng, phôi và thép trên thế giới tăng lên rất nhiều. Do giá thế giới tăng, các DN trong nước nhập phôi về giá cũng tăng, vì thế giá thép trong nước đã bị đẩy lên trong mấy ngày qua.
 
Tuy nhiên, việc giá thép trong nước tăng cao vẫn không thể mang lại lợi nhuận lớn cho DN, bởi việc tăng này là bất khả kháng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng nên đầu ra phải tăng theo.

(Nguồn: Người Lao Động)

ĐỌC THÊM