Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN thép "sống tốt" nhờ lối đi riêng

Trong khi các thông tin về chung về ngành thép không được lạc quan khiến các nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu ngành này, thì những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh riêng biệt trong ngành lại tỏ ra rất vững vàng. Chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp này không bị thay đổi bởi những khó khăn hiện tại.

Đại diện của hơn 30 quỹ đầu tư và CTCK vừa đến tìm hiểu tình hình sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát, đi thăm Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát và lên Hà Giang thăm Nhà máy Tuyển quặng Vị Xuyên, nhân dịp nhà máy này vừa cho ra những mẻ tinh quặng đầu tiên. Đây là lần thứ 2 trong năm nay, Hòa Phát tổ chức cho các nhà đầu tư đi thực tế tại Hà Giang để hiểu về quy trình sản xuất khép kín của Tập đoàn từ khai thác khoáng sản đến sản xuất thép. Vượt qua những khó khăn, lợi nhuận 7 tháng đầu năm của Hòa Phát vẫn đạt tỷ lệ khá tốt, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.

Ở thị trường phía Nam, dù tiêu thụ thép khó khăn hơn phía Bắc, nhưng nửa đầu năm, CTCP Thép Pomina (POM) đã đạt xấp xỉ 50% kế hoạch lợi nhuận năm, lãi ròng 312 tỷ đồng.

Trên thị trường hiện có những ý kiến cho rằng, "POM không có chỗ cho nhà đầu tư tổ chức" khi các cổ đông trong gia đình họ Đỗ nắm giữ vị trí quản lý và sở hữu gần 70% cổ phần thông qua Công ty Thép Việt. Phản ứng trước thông tin này, ông Đỗ Duy Thái, thành viên HĐQT POM cho biết, từ khi niêm yết đến nay, giá cổ phiếu POM không phản ánh đúng giá trị thực của Công ty, nên Ban lãnh đạo không muốn bán cổ phiếu ra bên ngoài. Đồng thời, tình hình tài chính của Công ty khá lành mạnh, "không kẹt tiền" nên không có sức ép bán cổ phiếu với mức giá không hợp lý. Theo ông Thái, trong thời điểm hiện tại, rất khó để các nhà đầu tư bên ngoài có cùng nhận định như các cổ đông nội bộ về giá trị của Công ty. "Chúng tôi hiểu rõ vì sao POM nên sử dụng công nghệ của châu Âu chứ không phải của Trung Quốc, dù trước mắt Công ty đang phải chịu mức khấu hao cao. Nhưng chúng tôi tin tưởng khả năng cạnh tranh dài hạn khi giá điện sẽ còn tăng, trong khi công nghệ của POM có mức tiêu hao điện cho luyện và cán 1 tấn thép là 450 KW - thấp hơn mức trung bình của công nghệ Trung Quốc ở mức 640 KW".

Để các cổ đông không lo ngại về việc chuyển giá, khi cổ đông lớn Thép Việt cũng là nhà phân phối chính sản phẩm thép Pomina, cách đây 1 năm, POM và Thép Việt đã cùng thành lập Công ty Thương mại POM đảm nhận phân phối sản phẩm thép POM. Việc phân phối vẫn phải dựa vào hệ thống của Thép Việt đã hình thành từ 30 năm qua.

"Cách duy nhất để các cổ đông biết POM minh bạch là thực hiện nguyên tắc lợi nhuận của công ty thương mại này rất thấp, chỉ đủ đảm bảo hoạt động của bộ máy. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, POM lãi 312 tỷ đồng, nhưng Công ty Thương mại POM chỉ lãi khoảng 16 tỷ đồng. Hơn nữa, Thép Việt hiện đã chiếm tỷ lệ sở hữu khá cao ở POM, nên việc chuyển bớt lợi nhuận sang công ty thương mại, về mặt lý thuyết là không cần thiết. Một điểm thuận lợi nữa là nhiều cổ đông của POM là người trong ngành, nên nhìn vào giá mua - bán sản phẩm là họ hiểu ngay POM làm có đúng hay không. Họ không có thắc mắc gì về cơ chế phân phối mà POM đang thực hiện", ông Thái phân tích.

So với hai đại gia POM và HPG thì Đại Thiên Lộc (DTL) là công ty có quy mô nhỏ hơn và sản xuất dòng sản phẩm tôn thép. Lợi nhuận của Công ty trong 6 tháng đầu năm đã đạt 65,5% kế hoạch năm. Các tháng trong quý III này, doanh thu và lợi nhuận của DTL vẫn ổn định. Mặc dù lãi suất vay vốn cao, nhưng thời điểm này, Đại Thiên Lộc vẫn đẩy mạnh tiến độ đầu tư dây chuyền sản xuất của Khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc, gồm các dây chuyền mạ lạnh, cán nguội và tẩy rửa.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL cho biết, các nhà sản xuất mặt hàng mạ tôn lạnh trong nước đã đầy hết đơn hàng trong cả năm. Thị trường chính là xuất khẩu sang các nước ASEAN với thuế suất ưu đãi. Hoạt động xuất khẩu có tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt, nên Công ty vẫn đẩy nhanh tiến độ đầu tư để có hàng đáp ứng nhu cầu thị trường vào tháng 9 này.

Ngay cả ở thị trường trong nước, thép mạ màu và tôn lạnh nhập khẩu phải chịu thuế suất 15% nên giá bán vẫn cao, đảm bảo các doanh nghiệp trong nước đầu tư vẫn có lợi nhuận. Mặc dù vậy, tỷ suất lợi nhuận này thấp hơn so với xuất khẩu, cộng với sức mua của thị trường trong nước giảm, nên doanh nghiệp đang ưu tiên cho thị trường xuất khẩu. Không chỉ có DTL mà Tôn Hoa Sen (HSG) cũng đang tích cực hướng ra các thị trường lân cận với mặt hàng tôn mạ.

Nhìn chung, ngành thép đang bị ảnh hưởng khá nhiều về sức tiêu thụ do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tín dụng và tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, nhưng một số doanh nghiệp thép vẫn đạt lợi nhuận khả quan và có phương thức riêng để duy trì sự phát triển ổn định.

Nguồn tin: ĐTCK-online

ĐỌC THÊM