Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sản lượng thép xuất khẩu cả năm nay có thể đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng tới 130% so với năm ngoái, kim ngạch đạt gần 1,4 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu đã đạt 950 triệu USD.
Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu này lại không tỷ lệ thuận với lợi nhuận của doanh nghiệp.
Xuất khẩu tăng, tiêu thụ trong nước giảm
Trong khi xuất khẩu gia tăng thì khối lượng thép tiêu thụ trên thị trường nội địa lại giảm, dự báo khoảng trên 10% so với năm 2009.
Đặc biệt, đối với dòng sản phẩm dẹt, khối lượng tiêu thụ giảm tới trên 30%, trong khi xuất khẩu tăng hơn 236%.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này một phần do thị trường đang lưu thông lượng hàng tồn kho lớn từ năm trước, dù doanh nghiệp đã hạn chế nhập khẩu ồ ạt vì rút kinh nghiệp từ các năm trước, như thời điểm năm 2008, tình trạng ứ đọng thép nhập khẩu lên tới 3 tỷ USD.
Ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty Thép Bắc Việt cho biết doanh nghiệp sản xuất chỉ sản xuất vừa đủ sản lượng tiêu thụ chứ không chạy hết công suất, nhờ vậy, doanh nghiệp mới duy trì được mức lợi nhuận trong thời điểm hiện tại.
“Năm nay, hoạt động sản xuất cả thép công nghiệp lẫn thép xây dựng đều không thu lợi nhuận cao do nhu cầu của thị trường giảm,, cạnh tranh thị phần gay gắt nên các doanh nghiệp không thể tăng giá bán theo đà tăng của chi phí giá thành đầu vào,” ông Vương cho hay.
Bên cạnh đó, tình trạng tái xuất khẩu các sản phẩm nhập về thay vì bán ở trong nước, nhất là dòng sản phẩm dẹt, đã khiến doanh nghiệp giảm doanh thu tiêu thụ nội địa giảm và lợi nhuận cũng không được bao nhiêu.
Đối mặt với chi phí tài chính
Dù doanh nghiệp của mình có tỷ trọng xuất khẩu đạt tới 30% sản lượng, mỗi năm thu về gần 200 tỷ đồng từ xuất khẩu, song ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng tỏ ra lo lắng về mức giá tiêu thụ sản phẩm trong nước.
“Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang theo đúng tiến độ đặt ra, nhưng giá cả nguyên liệu đang tăng, một phần do biến động từ thị trường thế giới, một phần khác là bởi chênh lệnh tỷ giá đang tăng mạnh về cuối năm. Buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán, nhưng vẫn phải đang nghe ngóng biểu hiện của thị trường ra sao?”
Ông Phạm Chí Cường cho biết, từ đầu tháng 11 các doanh nghiệp đã rục rịch điều tăng giá khoảng 300.000 đồng/tấn thép. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phía Nam lại chưa thấy động tĩnh gì.
Về cuối năm, nhu cầu thép của thị trường trong nước thường tăng và theo đà đó các doanh nghiệp cũng có thể nâng mức giá bán lên mà vẫn được thị trường chấp nhận. Nhưng ông Vương khẳng định mức tăng giá như trên cũng "không thấm vào đâu" so với các những khó khăn tài chính tiềm ẩn mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu.
“Chúng tôi phải vay ngắn hạn với mức lãi suất 14,5%/năm, cộng với trích lập dự phòng biến động tỷ giá do vay ngoại tệ, đồng thời chi phí lương cũng phải tăng theo chỉ số giá tiêu dùng… Những chi phí này đang khiến lợi nhuận thực chất tcủa công ty đứng trước nguy cơ giảm mạnh, du doanh thu vẫn tăng”.
Trước thực trạng chung này, ông Phạm Chí Cường thẳng thắn chỉ ra rằng công suất các sản phẩm thép của cả ngành đang vượt xa nhu cầu nội địa, trong khi số lượng sản phẩm thép xuất khẩu vẫn là những con số hết sức khiêm tốn. Với tình trạng như vậy, các công ty sản xuất thép hiện có đều sản xuất dưới công suất thiết kế, gây lãng phí lớn và giá thành sản phẩm cao, thiếu tính cạnh tranh so với thép nhập khẩu.
“Hiện tại, Việt Nam mới gia nhập WTO, hàng rào thuế quan bảo vệ sản xuất trong nước còn được duy trì, nhưng phải có lộ trình giảm dần trong vài năm tới, khi đó các doanh nghiệp sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa,” ông Cường nói.
Nguồn: stockbiz