Doanh nghiệp tại Việt Nam mới đây đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ (đánh thuế tự vệ) đối với thép mạ kẽm phủ sơn. Theo đó, đây là vụ kiện thứ tư của doanh nghiệp tại Việt Nam đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.
Cục Quản lý cạnh tranh hôm nay, 7-6, cho biết đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước từ cuối tháng 5-2016 yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu (thép mạ kẽm phủ sơn), gồm tôn lạnh màu, tôn kẽm màu hoặc tôn đen màu.
Theo đó, để xem xét và đánh giá vụ việc nhằm đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không, Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất/kinh doanh sản phẩm tôn mạ cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất cũng như nêu ý kiến liệu có ủng hộ hay phản đối việc tiến hành điều tra tự vệ đối với tôn mạ màu nhập khẩu hay không.
Thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như của Trung tâm Thương mại thế giới (WTO), hiện Cục Quản lý cạnh tranh chưa công bố hồ sơ khởi kiện trong vụ việc này. Các thông tin trong hồ sơ, như bên khởi kiện cũng như các bằng chứng mà bên khởi kiện đưa ra, chỉ được công bố sau khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra.
Theo đó, đây là vụ kiện thứ tư của doanh nghiệp thép tại Việt Nam tiến hành đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, gồm thép không gỉ cán nguội (inox), phôi thép và thép dài, thép mạ (tôn mạ), và thép mạ kẽm phủ sơn (tôn mạ màu).
Gần đây nhất, vào đầu tháng 3-2016, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm chưa phủ màu (tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) và Hàn Quốc. Kết luận sơ bộ của vụ việc này dự kiến được công bố vào ngày 1-6-2016, nhưng sau đó đã bị dời 60 ngày.
Hiện phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam đang bị áp thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2%, trong khoảng thời gian từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016.
Vào năm 2014, Bộ Công Thương cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, và Đài Loan. Vào cuối tháng 4-2016, Bộ Công Thương quyết định nâng thuế CBPG đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia, trong khi giảm nhẹ thuế CBPG đối với sản phẩm này nhập từ Malaysia sau khi tiến hành rà soát.
Nguồn tin: KTSG