Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

DN Việt Nam lại bị kiện bán phá giá thép

Ngày mai (8/5) là hạn cuối của các DN Việt Nam phải nộp thông tin phản hồi với phía Ấn Độ trong vụ kiện chống bán phá giá thép mới đây.

Vụ kiến chống bán phá giá thép mà Ấn Độ kiện các DN Việt Nam mới đây là vụ kiện thứ 38 kể từ năm 1994 đến nay. Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, diện mặt hàng bị các nước kiện ngày càng rộng, từ những mặt hàng có kim ngạch nhỏ chỉ vài trăm USD như lò xo giường đệm xuất sang Mỹ, cho đến những mặt hàng có kim ngạch lớn như giày dép xuất khẩu sang EU, Canada. Trước đây, chỉ có các nước phát triển khởi kiện thì gần đây các nước đang phát triển cũng tăng cường áp dụng biện pháp này đối với Việt Nam như Ấn Độ, Peru, Ai Cập.

Được biết, từ 1994 đến nay nước ta đã và đang phải đối mặt với 37 vụ kiện về thương mại, trong đó 31 vụ về chống bán phá giá còn lại là các vụ kiện về chống trợ cấp và kiện phòng vệ. EU là thị trường khó tính nhất với 10 vụ kiện chống bán phá giá.

Ông Dương Văn Nam, Giám đốc Cty Thép Nam Giang, cho rằng, cái thiếu nhất đối với các DN xuất khẩu hiện nay là thông tin về thị trường của đối tác. Cũng chính từ việc thiếu thông tin về thị trường mà hiện các DN chỉ dừng ở mức ký hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài theo cách thương mại thuần túy, chứ chưa thực sự hiểu biết rõ ràng về đặc điểm thị trường ấy.

Bị kiện, vẫn…mừng

Một đại diện của Bộ Công thương cho rằng, xét một cách toàn diện, đây là dấu hiệu đáng mừng, vì trên thương trường phạm vi thế giới, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có một vị trí nhất định, đã có sự cạnh tranh. Và do vậy, các DN sản xuất, xuất khẩu nói chung, mà mới đây nhất là DN xuất khẩu thép nói riêng đã được đặt trước nhu cầu thực tiễn là phải nhanh chóng chuẩn bị tư thế, thông tin cần thiết về sản phẩm của mình, để chủ động chuẩn bị đối phó với những vụ kiện có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

“Về bản chất, đây chính là toàn bộ các vấn đề, thông tin liên quan tới hiểu biết về thị trường xuất khẩu hàng hóa của DN. Mặt khác, DN cần xây dựng được phương án điều chỉnh kinh doanh sản phẩm phù hợp với thị trường xuất khẩu, bao gồm cả phương án quản lý rủi ro trong trường hợp bị áp thuế chống phá giá, cũng như các biện pháp khiếu nại, kháng cáo...”, TS Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu Khoa học thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) nhận định.

Ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, VN cần thành lập một trung tâm chuyên thu thập thông tin để cung cấp và đưa ra cảnh báo sớm cho các DN. Đây là hoạt động hiện vẫn đang được nhiều cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề thực hiện và thậm chí được nhiều DN xem như một ngành kinh doanh đích thực.

 


(Nông Nghiệp)

ĐỌC THÊM