Theo Phó Cục trưởng Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, ông Nguyễn Đức Thành, đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra chống bán phá giá 37 lần, nhưng chưa khởi động bất cứ một biện pháp điều tra nào áp dụng với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Mạnh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Thép Đình Vũ, khẳng định: “Thép ngoại nhập khẩu đang có dấu hiệu bán phá giá”. Ông Hoàn phân tích, do chi phí sản xuất cao cùng với thuế nhập khẩu (5%), phí vận chuyển, thuê kho bãi…, giá bán thép của Trung Quốc, Nga, Indonesia khó có thể thấp hơn thép nội 1- 2 triệu đồng một tấn. Tuy nhiên, khi được hỏi có ý định kiện các doanh nghiệp thép ngoại bán phá giá vào Việt Nam hay không, ông Hoàn lại tỏ ra e dè.Nhiều doanh nghiệp khác dù đều bị “thấm đòn” với thép ngoại nhưng khi đề cập đến chuyện khởi kiện đều “ngại”. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết: “Đến nay, hiệp hội chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào của doanh nghiệp thành viên về việc kiện các doanh nghiệp ngoại”. Theo ông Cường, doanh nghiệp thép trong nước cầm cự được còn khó khăn, nói gì đến chuyện vác đơn đi kiện, chi phí tốn kém, chưa biết kết quả ra sao.
|
Ngại kiện, các nhà sản xuất trong nước chịu thiệt trước hàng nhập bán phá giá. Ảnh: Lê Hưng. |
Không chỉ ngành thép, hàng loạt các ngành sản xuất trong nước như phân bón, muối, giấy.., đều đang bị tổn hại vì sức ép của hàng ngoại giá rẻ. Nhưng doanh nghiệp chỉ biết… âm thầm chịu đựng. Trong khi, theo ông Nguyễn Đức Thành, pháp lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của Việt Nam ban hành từ khá sớm (năm 2004). “Tức là chúng ta đã chuẩn bị vũ khí phòng vệ khá lâu nhưng chưa có cơ hội sử dụng, chỉ vì tâm lý sợ kiện tụng, ngại điều tra của doanh nghiệp”, ông Thành nói. Ông Thành dẫn chứng, ngay vụ việc gần đây, Ấn Độ kiện các doanh nghiệp sản xuất bóng đèn compact của Việt Nam, trong khi Cục Quản lý cạnh tranh ra sức liên hệ với doanh nghiệp để chuẩn bị hồ sơ, lên phương án kháng kiện thì doanh nghiệp lại trốn Cục như “trốn ma”. “Doanh nghiệp bị kiện còn sợ bảo vệ quyền lợi của mình, nói gì đến việc đi kiện ngược”, ông Thành ngán ngẩm.Thiếu hiểu biếtTheo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hội đồng tư vấn chống bán phá giá - chống trợ cấp, trong nhiều trường hợp, sản xuất trong nước bị thiệt hại rõ ràng nhưng cơ quan điều tra khó vào cuộc nếu bản thân doanh nghiệp, hiệp hội không đề xuất, phản ánh mức độ thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, lại phản ánh, có trường hợp, hiệp hội muốn thay mặt doanh nghiệp đứng ra kiện đối tác nhập khẩu nhưng khi thu thập số liệu làm chứng cứ điều tra lại bị mất phương hướng. “Hiện nay, số liệu về xuất nhập khẩu từng mặt hàng quá lộn xộn, thậm chí số liệu “đá” nhau giữa các cơ quan thống kê nên không phản ánh đúng thực tế thị trường”, ông Thúy nói. Chẳng hạn như phân bón giá rẻ Trung Quốc tràn lan trên thị trường nội địa, nhưng số liệu nhập khẩu chính thức mặt hàng này năm 2008 và quý I năm nay lại không đáng kể bởi một lượng lớn hàng được nhập lậu nên không thống kê được.Nhưng lý do sâu xa khiến doanh nghiệp chưa sử dụng công cụ chống bán phá giá để phòng vệ, theo ông Thành, vì chính doanh nghiệp chưa có ý thức tìm hiểu pháp lệnh về cạnh tranh. Hơn nữa, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước vì lợi ích chung chưa có. “Doanh nghiệp lâu nay dường như chỉ mải mê lo cạnh tranh, “đấu đá” nhau, mà quên cả việc hợp tác để cùng bảo vệ quyền lợi chung cho sản xuất trong nước”, ông Thành nói. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, việc kiện ngược các nhà sản xuất ngoại bán phá giá hàng hóa vào Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, do bản thân doanh nghiệp và cơ quan quản lý còn thiếu kinh nghiệm theo đuổi các vụ kiện thương mại quốc tế nên tỷ lệ thành công không nhiều. Vì vậy, một trong những cách bảo vệ tốt nhất hàng hóa trong nước là doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm. |