Việc Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu là nhằm giúp một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có thêm thời gian và cơ hội tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, ngay trước mắt, nhiều doanh nghiệp (DN) lại đang trục lợi nâng giá khiến người tiêu dùng phải mua thép với giá cắt cổ.
Thép tiếp tục tăng giá
Trước thời điểm Bộ Công Thương áp thuế tự vệ (ngày 22/3 vừa qua), thị trường thép đã “nổi sóng”. Đến nay, sau nửa tháng áp thuế, giá thép tiếp tục tăng mạnh. Từ mức giá khoảng 10,3 - 10,7 triệu đồng/tấn, nay giá thép đã tăng lên mức 12,5 - 13,5 triệu đồng/tấn đối với các sản phẩm cả thương hiệu trong nước lẫn nước ngoài.
Gia đình ông Dương Văn Thêm (Thanh Trì, Hà Nội) đang trong công đoạn đóng cọc xây ngôi nhà mới và không khỏi lo lắng khi giá thép bỗng dưng tăng mạnh. Ông cho biết: “Tôi đã đặt trước 100 triệu đồng từ cuối tháng 2 nhưng đến nay, cửa hàng thép nhất quyết bắt tôi phải tính theo đơn giá mới, nếu không chịu sẽ trả lại tiền. Nhà tôi dự kiến cần 9 tấn thép. Với mức tăng giá như hiện nay, nhà tôi phải chi thêm 18 - 20 triệu đồng cho tiền thép”.
Với các hộ dân đã phải tốn nhiều tiền như vậy, còn với các nhà thầu xây dựng, mỗi năm có thể sử dụng đến hàng trăm ngàn tấn thép thì số tiền chi thêm này không hề nhỏ. Đó là còn chưa kể, các nhà cung cấp thép còn viện cớ khan hàng, tích trữ thép để ép giá người mua trong khi thực tế, thép không hề thiếu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép sản xuất trong 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,15 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ chỉ khoảng hơn 1,05 triệu tấn. Chưa kể lượng thép tồn kho của các DN còn hơn 500.000 tấn. Do đó khả năng thiếu thép là không có.
Mặt khác, giá phôi thép thế giới trong hai tháng đầu năm nay duy trì ở mức 310 USD/tấn và đến đầu tháng 3 chỉ tăng nhẹ lên 320 USD/tấn. Theo tính toán của các chuyên gia, kể cả áp thuế tự vệ thì việc thép tăng giá mạnh ngay lập tức với mức 2 triệu đồng/tấn là bất hợp lý. Nếu chịu thêm thuế tự vệ từ ngày 22/3 thì cũng phải đến lô hàng đưa ra thị trường vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 mới theo giá bán mới. Việc đổ lỗi cho giá nguyên liệu thép tăng để tăng giá là không có cơ sở.
Đục nước béo cò
Lý giải của Bộ Công Thương khi đưa ra biện pháp tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu là để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước “cơn bão” thép nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế, không ít DN trong nước đã không tận dụng cơ hội này để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá mà lại lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Công ty Liên doanh sản xuất Thép Vinausteel (Thép Việt Úc) chủ yếu sản xuất các mặt hàng thép xây dựng, nguồn phôi thép chủ yếu là trong nước, nhập khẩu rất ít. Ông Phan Đào Vũ, Tổng Giám đốc công ty bức xúc cho biết, ngay khi mới ở giai đoạn kiện tự vệ thôi thì giá phôi thép đã tăng ngay lập tức. Hiện nay phôi thép đã tăng khoảng 18%, từ 7 triệu đồng/tấn lên khoảng 8,3 triệu đồng/tấn. Điều này khiến cho người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn.
“Câu chuyện này phải nói sòng phẳng, khi bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập thì cái đích của hoạt động thương mại tự do là thuế về 0%. Trong điều kiện khó khăn, những DN linh hoạt sẽ biết điều chỉnh chiến lược sao cho hiệu quả, đừng vì sự kém hiệu quả của một số DN trong nước mà làm cho yếu tố hội nhập bị tác động khiến các DN khác và người tiêu dùng không được hưởng lợi từ hội nhập”, ông Vũ nói.
200 ngày áp thuế tự vệ tạm thời và sau đó có thể có thêm thời gian áp thuế chính thức là cơ hội để DN trong nước nhìn lại mình, có chiến lược cụ thể để tái cấu trúc. Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, biện pháp tự vệ sẽ giúp cho các DN sản xuất nhiều hơn là các DN thương mại. Tranh thủ cơ hội, tổng công ty này cũng đã nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao về quản trị, tìm mọi cách cắt giảm giá thành để có năng lực cạnh tranh tốt nhất trong hội nhập.
Thay vì việc tranh thủ tăng giá theo giá thép nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các DN sản xuất phôi và thép dài trong nước cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, bản thân các DN cũng cần coi khoảng thời gian này là cơ hội cải tổ sản xuất, tái cơ cấu DN.
Được biết, không phải tất cả các DN đều ủng hộ quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương. Có 7 nhà sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đề nghị loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi áp thuế tự vệ. Bộ Công Thương cho biết sẽ làm việc trực tiếp với các DN này để làm rõ cơ sở, lập luận của các DN trong đầu tháng 4 này. Đối với hiện tượng các DN găm hàng chờ tăng giá, Bộ Công Thương cho rằng đây là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, trước mắt thì quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng là điều không thể phủ nhận.
Nguồn tin: Tin tức