Đại diện của 18 doanh nghiệp sử dụng thép không rỉ (inox) làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vừa có những tuyên bố phản đối quyết định của Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) thuộc Bộ Công Thương sau khi cơ quan này đưa ra kết luận sơ bộ về cuộc điều tra chống bán phá giá thép không rỉ.
Phản ứng này diễn ra sau khi ngày 3-12, trên trên trang thông tin điện tử của VCA đăng tải kết luận sơ bộ của cơ quan này đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá thép không rỉ cán nguội, theo đó đề xuất Bộ Công Thương đưa ra mức thuế sơ bộ từ 6,45% đến 30,73%.
Diễn biến của vụ việc bắt đầu từ hồi tháng 5, khi hai nhà sản xuất inox trong nước là POSCO VST và Hòa Bình Inox, vốn chiếm tới 81,1% thị phần, nộp đơn yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm trên nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
VCA đã quyết định điều tra sự việc này, và cùng với đó, các doanh nghiệp dùng inox tại Việt Nam cũng đã gửi một số đơn kiến nghị về chuyện này lên Bộ Công Thương.
Do đây chỉ mới là kết luận sơ bộ, nên các nhà sản xuất các sản phẩm có nguyên liệu từ inox nhập khẩu từ các thị trường nói trên, hy vọng họ có thể lật lại được thế cờ khi còn thời gian 6 tháng nữa Bộ Công Thương mới ra phán quyết cuối cùng.
Trong thông cáo báo chí gửi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các doanh nghiệp này cho biết họ sẽ sớm có phản đối chính thức với cơ quan điều tra và cơ quan chức năng về kết luận này.
Các doanh nghiệp này cho rằng, nếu lúc này mức thuế sơ bộ trên được áp dụng ngay thì sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất inox của Việt Nam chịu nhiều thiệt hại, và khi đó, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu, chứ không phải là các doanh nghiệp xuất khẩu bên ngoài.
Điều này cũng được cho là sẽ "chặn đứng khả năng tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không rỉ với mức giá cạnh tranh".
Hiện tại, theo các doanh nghiệp này, giá inox do Posco VST cung cấp tại thị trường trong nước đã cao hơn từ 10-20% so với thị trường quốc tế.
Trong khi đó, 4 quốc gia và vùng lãnh thổ bị điều tra, gồm Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc, là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, vì thế việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ thị trường thay thế hợp lý là hoàn toàn không có tính khả thi.
“Thực tế việc nhập khẩu mặt hàng này từ một số thị trường như Đài Loan hiện đang có mức thuế là 10%, nếu áp thuế thêm nữa thì các doanh nghiệp dùng inox làm nguyên liệu để sản xuất inox thành phẩm tại Việt Nam chỉ còn lựa chọn là thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài. Và hệ lụy là các doanh nghiệp này sẽ bị thiệt hại lớn, hàng ngàn công nhân mất việc làm, thất thu hàng chục tỉ đồng ngân sách mỗi năm từ tiền thuế”, thông cáo báo chí viết.
Một số doanh nghiệp cũng lo ngại chuyện họ phải đền bù các hợp đồng đã ký, ngưng trệ hoạt động xuất khẩu và khó càng thêm khó khi thị trường trong nước đã khó khăn.
Một lý do nữa cũng đáng chú ý là POSCO VST và Hòa Bình Inox hiện chiếm hơn 81% thị phần inox tại Việt Nam, nên đã có những lo ngại về chuyện độc quyền và thao túng giá một khi mức thuế trên được áp dụng.
Nguồn: KTSG