Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phạm Chí Cường, thời gian gần đây doanh nghiệp ngành thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do ách tắc trong khâu nhập khẩu thép phế liệu, trong khi đó cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa bàn hành quy chuẩn về sắt, thép phế liệu nhập khẩu.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 15-9, ông Cường cho biết trong 3 năm gần đây, nhiều container sắt, thép phế liệu được doanh nghiệp nhập về làm nguyên liệu sản xuất phôi bị chặn lại tại các cảng, không cho thông quan hoặc buộc tái xuất do bị cho là có lẫn tạp chất độc hại, vi phạm quy định về môi trường.
“Thế nhưng, việc đánh giá mức độ tạp chất độc hại lẫn trong sắt, thép phế của cảnh sát môi trường, cán bộ hải quan vẫn còn rất cảm tính, nhiều khi chỉ dựa vào mắt thường chứ chưa có căn cứ về định lượng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp ngành thép thời gian gần đây, việc bị lưu kho tại cảng cũng làm doanh nghiệ thiệt hại hàng tỉ đồng”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, Việt Nam đang có khoảng 9 công ty chuyên luyện thép mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn thép phế liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất phôi, lượng thép phế thường được nhập về Việt Nam từ Mỹ, Nhật, Thỗ Nhĩ Kỳ, Trung Đông.
Nhu cầu nhập sắt thép phế liệu được dự báo sẽ tăng lên 4-5 triệu tấn trong vài năm tới vì lượng thép phế liệu trong nước hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu sản xuất phôi.
Ông Cường cho rằng đã là sắt thép phế liệu thì bao giờ cũng có lẫn tạp chất, nhưng dù có lẫn thế nào thì trên thế giới đều quy định tối thiểu phải 97% là sắt, 3% tạp chất là có thể nhập được.
Các nước thường cấm nhập khi thép phế liệu có lẫn chất nổ, chất phóng xạ và hóa chất độc hại. Còn các tạp chất khác dù có lẫn vào sắt thép phế liệu cũng sẽ bị tiêu hủy khi bị nung ở nhiệt độ lên đến 5.000 độ C trong quá trình luyện phôi.
Thời gian qua, cơ quan chức năng chưa phát hiện vụ nhập thép phế liệu nào có lẫn 3 yếu tố độc hại là chất nổ, chất phóng xạ hay hóa chất độc hại. Phần lớn là lẫn giẻ rách, ron cao su, mùi trong hộp kim loại, đồ hộp bị ép chặt.
Theo ông Cường, hiện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ mới đang dừng lại ở khâu biên soạn, lấy ý kiến góp ý các ngành cho dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu”, và chưa biết khi nào quy chuẩn này được ban hành.
Nguồn: TBKTSG Online