“Chúng tôi hoạt động 15 năm, chưa nộp chậm cho cơ quan thuế đồng nào. Trong khi đó, cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho tôi gần 5 năm rồi… Ngành thuế chờ an toàn mới hoàn thì doanh nghiệp chết rồi,” ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thép Khương Mai, nói tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Thuế TPHCM diễn ra hôm nay, 8-10.
|
Nỗi niềm của ông Khương liên quan đến chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một lô thép xuất đi Campuchia từ năm 2011. Số tiền thuế VAT công ty ông đề nghị hoàn là 2,65 tỉ đồng. Theo ông chia sẻ, hồ sơ của ông bị cơ quan thuế ở thời điểm có đề nghị hoàn lần đầu trả về với ba lý do: tồn kho cao, lỗ nhiều và ngân sách thành phố eo hẹp do kinh tế khó khăn.
Hồi tháng 4 vừa qua, tranh thủ hội nghị đối thoại với cơ quan thuế, ông Khương đã mang câu chuyện hoàn thuế khó khăn của mình trình bày trực tiếp với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM. Và tại hội nghị, ông đã được bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, trả lời rằng cần làm lại hồ sơ để được xem xét.
“Chúng tôi đã làm lại hồ sơ. Đến nay, 4-5 tháng đã trôi qua nhưng vẫn chưa được hoàn trong khi quy định chỉ là 45 ngày,” ông Khương cho biết tại hội nghị hôm nay.
Ông Khương kiến nghị cơ quan thuế cần làm ngay, giải quyết gấp chuyện hoàn thuế của doanh nghiệp trên cơ sở chỉ rõ đúng sai. Còn không, để tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp lâm nguy.
“Doanh thu chúng tôi một năm khoảng 400 tỉ đồng, nộp thuế VAT 40 tỉ đồng. 5 năm là gần 200 tỉ đồng. Từ lúc thành lập đến giờ, chúng tôi mới được hoàn thuế hơn 1 tỉ đồng. Doanh nghiệp bệnh nặng, sắp chết rồi. Ngành thuế cứ muốn an toàn thì doanh nghiệp chết hết,” ông Khương khẩn thiết.
Không đến mức không được hoàn thuế VAT như Công ty Khương Mai, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy sản cũng gặp khó với chuyện này. Chia sẻ tại hội nghị, bà Lại Tuyết Thanh, Kế toán trưởng Công ty, cho biết bộ hồ sơ hoàn thuế của công ty nộp cho phòng Kiểm tra thuế số 1 thuộc Cục Thuế TPHCM đang bị cơ quan thuế điều chỉnh giảm số thuế đề nghị hoàn vì nhiều lý do. Chẳng hạn như hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp đối tác đã ngừng hoạt động, hồ sơ mua bán hàng hóa thiếu hợp đồng… Bà Thanh cho biết, có nhiều trường hợp hóa đơn đầu vào bị cơ quan thuế loại ra mà doanh nghiệp không biết làm thế nào để đáp ứng yêu cầu.
Trao đổi thêm với TBKTSG Online, bà Thanh cho biết, trong hơn 13 năm hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị này chỉ được hoàn thuế trước kiểm tra sau 3 lần, còn lại đều rơi vào trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Đại diện Công ty Tân Nhất Hương thuộc sự quản lý thuế của Chi cục Thuế Quận 3 thì phản ánh, doanh nghiệp đã nhận được quyết định hoàn thuế từ ngày 26-8 nhưng đến nay gần một tháng rưỡi trôi qua vẫn chưa nhận được số tiền thuế được hoàn.
Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp thuộc trường hợp hoàn trước kiểm tra sau thì chỉ cần 6 ngày là nhận được tiền hoàn thuế kể từ thời điểm có quyết định được hoàn. Liên hệ với cơ quan thuế thì doanh nghiệp nhận được trả lời rằng ngân sách Trung ương “rót” vào không kịp. Doanh nghiệp mong muốn sớm nhận được tiền hoàn thuế như quy định vì còn đang chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế khác.
Trả lời các phản ánh của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết sẽ ghi nhận và kiểm tra lại thông tin, hồ sơ. Trên cơ sở này sẽ mời doanh nghiệp lên làm việc để trao đổi cụ thể.
Đây không phải lần đầu tiên các doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn trong việc hoàn thuế VAT. Trong thời gian này, công tác hoàn thuế đang được siết chặt từ phía cơ quan thuế theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên, nhiều trường hợp doanh nghiệp được đưa vào danh sách, đối tượng cần phải kiểm tra kỹ hồ sơ trước khi hoàn. Bản thân cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về quyết định hoàn thuế cho các doanh nghiệp.
Việc siết chặt quản lý hoàn thuế có nguyên nhân chính là tình hình thực tế diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp bị phát hiện lợi dụng chính sách của nhà nước, có những thủ đoạn, hành vi gian lận mới để chiếm đoạt tiền ngân sách.
Nguồn tin: VietStock