Lãi suất cho vay VND đã "bỏ xa" mức 20%/năm, thậm chí có ngân hàng (NH) chào doanh nghiệp (DN) với lãi suất 26%/năm. Nhiều DN cho biết, với mức lãi suất này, họ không có cách nào "gánh" nổi. Khách hàng cá nhân cũng lắc đầu không dám vay tiêu dùng…
Lãi suất huy động VND đã vượt 14%/năm
Mặc dù niêm yết lãi suất huy động VND tối đa là 14%/năm theo quy định, nhưng hầu hết các NH đều "xé rào" bằng cách đưa ra những mức lãi suất thỏa thuận cao hơn, lên đến 16-17%/năm. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần ở Hà Nội cho biết, lạm phát đang ở mức cao, nếu huy động lãi suất 14%/năm sẽ khó hấp dẫn người gửi tiền. Trong khi cơ quan chức năng chưa cho phép huy động lãi suất cao hơn, NH đành phải "lách" bằng cách đưa ra một mức lãi suất thỏa thuận. Mức lãi suất tối đa được ghi trên sổ tiết kiệm chính vẫn là 14%/năm, song NH và khách hàng sẽ ký thêm một biên bản thỏa thuận lãi suất cộng thêm ngoài mức 14%/năm, có thể là 2-3%/năm. Như vậy, lãi suất thực tế mà khách hàng nhận được lên đến 16-17%/năm.
Đại diện một NH khác cũng thừa nhận, NH đang "khát" vốn nên tìm mọi cách để "hút" nguồn tiền gửi. Mặc dù kênh gửi tiết kiệm hiện không phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư khác, vì thị trường chứng khoán "lình xình", ít biến động, thị trường vàng trầm lắng, ngoại tệ hầu như không có giao dịch, song NH vẫn không hấp dẫn người gửi tiền. Tuy nhiên, các NH không tùy tiện nâng lãi suất huy động cho tất cả khách hàng. Với những khách hàng lạ, nếu gửi dưới 100 triệu đồng, NH sẽ không chấp nhận việc thỏa thuận lãi suất mà chỉ mời chào mức lãi suất thỏa thuận cao với những khách hàng thân thuộc, nhất là những DN lớn.
Cần cân nhắc bài toán lãi suất
Huy động với lãi suất cao, NH không còn cách nào khác là nâng lãi suất cho vay. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây, lãi suất cho vay VND bình quân cao nhất là 22%/năm, nhưng trên thực tế, nhiều NH đã cho vay với lãi suất bỏ xa mức này. Một DN kinh doanh thiết bị công nghiệp cho biết DN này vừa được một NH chào vay, nhưng lãi suất lên đến 26%/năm. Nếu chấp nhận mức lãi suất này, ngoài việc phải gánh lãi suất cho vay, để đủ chi phí hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí nhà xưởng, hao mòn máy móc… DN phải lãi tới 50%, tức là nếu DN bỏ chi phí 100 triệu đồng phải thu được lợi nhuận 50 triệu đồng. DN này cũng lắc đầu chào thua vì trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn thì DN không có cách nào để lãi lớn như vậy. Bởi vậy, DN chấp nhận không mở rộng sản xuất, từ chối một số đơn đặt hàng vì thiếu vốn... chứ không dám vay vốn NH.
Lãnh đạo một công ty về cơ khí cũng cho rằng, DN đã có một số vốn lớn, dự kiến vay thêm tiền NH để mở rộng nhà xưởng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, song nếu lãi suất lên đến 26%/năm thì quá cao, DN không thể "gánh" nổi. Vì thế, DN này quyết định gửi khoản tiền nhàn rỗi vào NH để hưởng lãi chứ không vay tiền NH. Tuy nhiên, trong "cái khó" đã "ló cái khôn", DN này dự định huy động vốn từ cán bộ, nhân viên trong công ty, với lãi suất cao hơn mức huy động 14%/năm của NH để phục vụ cho việc mở rộng công ty.
DN lắc đầu, còn những người dân có nhu cầu vay tiêu dùng cũng không dám vay, vì lãi suất quá cao. Tính một bài toán đơn giản, với 100 triệu đồng vay của NH, lãi suất 26%/năm, theo hình thức trả góp hằng tháng, cộng với lãi suất được tính theo số tiền thực tế được trừ dần hằng tháng. Tức là nếu khách hàng ký hợp đồng trả trong một năm, tháng đầu sẽ phải chấp nhận mức lãi suất là hơn 2,16%/tháng (tức là hơn 2,16 triệu đồng), cộng với hơn 8,3 triệu đồng tiền trả góp, tháng sau khách hàng sẽ chỉ phải tính lãi suất trên số tiền là 91,7 triệu đồng, cộng với số tiền trả góp cố định là 8,3 triệu đồng. Như vậy, ngay cả tính lãi suất dựa trên số tiền đã được trừ dần hằng tháng cũng đã lên tới 20 triệu đồng.
Một số NH khác cũng gọi điện cho những khách hàng thân thuộc mời vay tiêu dùng với lãi suất cho vay 24%/năm cho khoản vay 50 triệu đồng, 23%/năm cho khoản vay từ 100 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, 22%/năm cho những khoản vay tiêu dùng lớn hơn 150 triệu đồng, song lượng khách hàng chấp thuận rất ít. Nhiều khách hàng cho biết, lạm phát có nguy cơ tăng cao, giá nhiều mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày "leo thang" nên nhiều người phải thắt chặt chi tiêu. Do vậy, người dân sẽ phải tính toán kỹ bài toán vay tiền NH để phục vụ cho các nhu cầu cá nhân.
Theo các chuyên gia, Chính phủ sẽ phải cân nhắc lại bài toán về chính sách tiền tệ để hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền - ngân hàng - DN. Tức là NH cần đưa ra mức lãi suất huy động hợp lý nhằm "hút" người gửi tiền, nhưng không quá cao để không làm khó cho DN, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đây là bài toán không đơn giản trong bối cảnh hiện nay, nếu giải được sẽ giúp thị trường tiền tệ hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn.
HNM